(Báo Quảng Ngãi)- Được coi là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế, logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng và đã có sự phát triển song dịch vụ logistics ở Quảng Ngãi lại phát triển chưa xứng tầm.
Sau hơn 15 năm phát triển, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) Quảng Ngãi đã trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực gia công chế tạo xây lắp các công trình dầu khí, dịch vụ cung cấp tàu lai dắt và tàu chuyên ngành dịch vụ dầu khí và khai thác cảng, hậu cần cảng (logictics, các dịch vụ liên quan). Phát triển dịch vụ logistics đã góp phần để PTSC Quảng Ngãi hoàn thành tốt các kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty trong các năm qua. Trong năm 2014, doanh thu của PTSC Quảng Ngãi đạt gần 517 tỷ đồng, tăng hơn 3,38% kế hoạch.
Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất có cơ sở hạ tầng khá tốt để phát triển dịch vụ logistics. |
Ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc PTSC Quảng Ngãi cho biết, cùng với việc mở rộng, tham gia xây lắp các công trình dầu khí ở trong và ngoài tỉnh, PTSC Quảng Ngãi tiếp tục duy trì và khai thác an toàn, hiệu quả Bến số 1 Cảng Dung Quất, triển khai dịch vụ logistics nhằm phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động chính của Công ty.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng logistics của Quảng Ngãi đã phát triển nhiều so với trước đây, với cảng biển nước sâu Dung Quất kết nối với sân bay Chu Lai, hệ thống đường bộ và đường sắt xuyên Việt. Vì thế, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics là rất lớn. Ông Nguyễn Duy Ngọc-Giám đốc Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất chia sẻ, vừa qua VSIP đã tìm hiểu và đặt mối quan hệ hợp tác với Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất bởi lợi thế hạ tầng của cảng, còn VSIP đang có nhiều khách hàng đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi. Nếu kết nối thành công, cảng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Mặc dù có nhiều lợi thế, bước đầu có sự phát triển, tuy nhiên dịch vụ logistics của Quảng Ngãi phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Hệ thống đường sắt chưa kết nối vào cảng Dung Quất. Đặc biệt chưa kết nối đồng bộ tạo nên đầu mối giao thông tổng hợp tạo thế liên hoàn hỗ trợ phát triển ngành logistics.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Trong bối cảnh khi mà hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh ngày càng phát triển, thương mại nội địa ngày càng mở rộng, nhu cầu dịch vụ logistics càng gia tăng thì đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, khắc phục để hạn chế thua thiệt ngay trên “sân nhà” đối với lĩnh vực được coi là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện các cam kết về tự do hoá dịch vụ logistics trong WTO và Hội nhập ASEAN về logistics theo lộ trình 4 bước là tự do hoá thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế; tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics; nâng cao năng lực quản lý logistics và phát triển nguồn nhân lực. Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển dịch vụ logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo vận hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tiết giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong cả khu vực sản xuất và dịch vụ.
Do vậy, trước mắt cần phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ cho cảng Dung Quất, phát huy lợi thế nền tảng logistics: Trục cảng Dung Quất và sân bay Chu Lai, phát triển các dịch vụ cảng, chọn lựa các chuỗi cung ứng như với ngành dầu khí và hóa dầu, ngành công nghiệp nặng, bố trí không gian hợp lý khu vực gần cảng và sân bay, phát triển vận tải biển, xây dựng cộng đồng phát triển logistics và các ngành giá trị gia tăng… Tận dụng được vị trí chiến lược của cảng Dung Quất và phát triển các khu chế xuất hải cảng, thông qua đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bài, ảnh: Thanh Như