Khuyến công miền núi: Chưa được chú trọng

09:04, 23/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khó khăn về nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên mặc dù có nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đặc sắc, nhưng phần lớn các huyện miền núi đều chưa phát huy được thế mạnh đó.

Loay hoay xác định “thế mạnh”

Nói về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp thì huyện Minh Long từng có làng rèn truyền thống tại xã Long Hiệp, nhưng đến nay đã mai một. Nghề làm chổi đót ở Long Mai cũng chỉ phát triển theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát tại các hộ gia đình, chứ chưa có một cơ sở nào quy mô. Hiện nay, mặc dù tỷ trọng công nghiệp - xây dựng của Minh Long chiếm khoảng 29% trong tổng giá trị sản xuất, nhưng chủ yếu vẫn là xây dựng cơ bản. Đến nay, Minh Long vẫn đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và tư nhân đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông- lâm sản trên địa bàn huyện, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầu tư.

Nghề dệt thổ cẩm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Làng Teng, nhưng số người biết dệt thông thạo chỉ đếm trên đầu ngón tay.                                          Ảnh: Phùng Căn
Nghề dệt thổ cẩm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Làng Teng, nhưng số người biết dệt thông thạo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Phùng Căn


Dù rất muốn khuyến công trên địa bàn, nhưng Minh Long vẫn rất khó thực hiện, vì không có ngành nghề thế mạnh.  Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Trưởng Phòng kinh tế- hạ tầng huyện Minh Long cho biết: “Từ trước đến nay, huyện không nhận được nguồn kinh phí về khuyến công. Vả lại, trên địa bàn huyện vẫn chưa có cơ sở sản xuất nào về tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn quy mô, mà chủ yếu chỉ là sản xuất tại gia đình theo kiểu tự phát nên rất khó để khuyến khích sản xuất, hỗ trợ máy móc”. Trong thời gian tới, sau khi phát triển được vùng nguyên liệu chè, thì Minh Long mới hướng tới kêu gọi các nhà đầu tư, nhằm tiến tới phát triển ngành chế biến chè rồi đưa sản phẩm chè khô ra thị trường. Tuy nhiên, tất cả còn đang ở… chế độ chờ.

Có thế mạnh, nhưng chưa phát huy

Nếu như Minh Long chưa xác định được thế mạnh về tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp để phát triển thì huyện Ba Tơ mặc dù có nguyên một làng dệt thổ cẩm tại xã Ba Thành, nhưng đến nay, thế mạnh này vẫn chưa được phát huy. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ trang thiết bị cho người dân.

Nhà cộng đồng được đầu tư xây dựng để chị em tập trung đến dệt thổ cẩm giờ đã hư hỏng hoàn toàn.
Nhà cộng đồng được đầu tư xây dựng để chị em tập trung đến dệt thổ cẩm giờ đã hư hỏng hoàn toàn.


Chị Phạm Thị Su, một trong số ít những người dệt thành thạo ở Làng Teng, xã Ba Thành tâm sự: “Năm 1996, tôi quyết định học nghề dệt thổ cẩm và phải mất hơn hai năm tôi mới dệt thành thạo được tất cả các loại hoa văn. Hồi đó, Nhà nước hỗ trợ, trả lương cho mẹ Roa- người dệt thổ cẩm khéo tay nhất của làng, còn mình thì được học miễn phí, nên tôi mới có điều kiện để theo học”. Có được nghề dệt thổ cẩm “lận lưng”, chị Su nhờ đó mà trang trải được kinh tế gia đình. Với mỗi tấm địu em bé dao động từ 400-500 nghìn đồng, bộ váy hoa văn lớn 1 triệu đồng, hoa văn nhỏ 500 nghìn đồng… nên từ Tết Nguyên đán đến nay, chị Su kiếm được hơn chục triệu đồng nhờ vào việc dệt thổ cẩm theo đơn đặt hàng.

Nghề dệt thổ cẩm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhưng giờ, ở Làng Teng, trong số gần 50 người còn giữ nghề, thì số người biết thông, dệt thạo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Văn Néo - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, do chưa được đầu tư, nâng cấp khung dệt, nên người theo đuổi nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng mới chỉ có thể lấy công làm lời bởi năng suất đạt được không cao. Hơn nữa, kinh phí cho công tác đào tạo nghề chưa có, nên thế hệ trẻ sau này chỉ tự học tại nhà, chứ chưa được đào tạo đến nơi đến chốn. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm thổ cẩm Làng Teng.

“Muốn học thông thạo tất cả các cách dệt hoa văn, thì phải bỏ ra khoảng 2 chỉ vàng để học nghề từ các chị dệt giỏi. Còn học qua loa cho có thì vẫn dệt được, nhưng không đẹp”, chị Phạm Thị Lan, người đang có ý định học nghề dệt thổ cẩm để kiếm thêm thu nhập cho biết.  Số tiền 7 triệu đồng để học nghề thành thạo là không nhỏ với người dân miền núi.  Trong khi sản phẩm thổ cẩm Làng Teng thì vẫn chưa thể xuất bán ra thị trường với số lượng lớn nên ít ai dám đánh cược học nghề. Thiếu kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ vốn đầu tư, đổi mới thiết bị nên dù có tiềm năng, nhưng đến nay, nghề dệt thổ cẩm Làng Teng vẫn chưa thể tăng năng suất và sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực dồi dào sẵn có.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.