(Báo Quảng Ngãi)- Vụ mía năm nay, xã Bình Tân (Bình Sơn) có gần 70 hộ dân tham gia dồn điền đổi thửa gần 20ha ở cánh đồng đội 4, xóm Tây. Việc dồn điền này được Nhà máy Đường Phổ Phong hỗ trợ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch hoàn toàn bằng cơ giới. Nông dân phấn khởi chờ đợi một vụ mía mới với năng suất tăng gấp đôi so với cách làm truyền thống lâu nay.
Những ngày giữa tháng 4 này, cánh đồng mía ở đội 4 như rộn ràng hẳn lên bởi tiếng máy nổ của những chiếc máy cày do Nhà máy Đường Phổ Phong đưa đến làm đất trồng mía cho nông dân. Cánh đồng gần 20ha của gần 70 hộ dân được máy móc cày xới không còn bờ thửa nhỏ lẻ như trước. Ông Phạm Thọ cho biết, gia đình ông có 12 sào đất chia làm 7 thửa nằm rải rác nhiều nơi, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của xã và Nhà máy đường cam kết hỗ trợ tất cả các chi phí từ làm đất, trồng, phân bón, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân.
Cánh đồng mía ở đội 4, xã Bình Tân từ vụ này sẽ có máy móc làm thay cho nông dân. |
“Lâu nay, nông dân làm rất vất vả, mỗi sào chỉ thu hoạch từ 2,5 – 3 tấn. Sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi chừng 500 ngàn đồng/sào. Đây là vùng đất thiếu nước tưới nên không trồng được cây gì ngoài cây mía. Giờ tham gia dồn điền, chúng tôi được hỗ trợ làm tất cả và trả nợ cho nhà máy trong 2 năm. Nhà máy cũng cam kết thu mía của bà con với chữ đường cao, nên chúng tôi yên tâm”, ông Thọ chia sẻ.
“Chúng tôi xác định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá trong nông nghiệp. Từng bước thay đổi nhận thức của người dân, để họ mạnh dạn tham gia dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Đảng bộ xã đã chọn mô hình dồn điền đổi thửa này làm công trình chào mừng Đại đội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020”. Ông Trương Quang Minh – Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân, nói. |
Ông Nguyễn Tấn Minh – Phó Chủ nhiệm HTX chuyên canh mía xã Bình Tân cho biết, địa phương hiện có 200 ha đất trồng mía ổn định. Tuy nhiên, lâu nay việc trồng mía của nông dân chủ yếu theo cách thủ công. Ruộng chia thành nhiều thửa, phân tán, nên việc chăm sóc rất vất vả, thu hoạch tốn nhiều công sức, nên hiệu quả kinh tế không cao. Với cánh đồng lớn này, hy vọng sẽ đạt được đột phá về hiệu quả kinh tế mang lại từ cây mía. Lúc đầu, người dân cũng băn khoăn, nhưng chính quyền địa phương cam kết sẽ nghiên cứu phân chia để người dân đồng thuận. Việc cấp lại sổ đỏ sẽ được chính quyền thực hiện nhanh. Do đó hầu hết nông dân đồng thuận.
Ông Tạ Công Tường – Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong cho rằng, việc thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch nên vụ mía này nhà máy triển khai tại Bình Tân 20ha và các địa phương khác với tổng diện tích 110ha. Với các cánh đồng dồn điền đổi thửa, nhà máy sẽ hỗ trợ toàn bộ bằng cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch, cả phân bón và giống. Tiền đầu tư khoảng 60 triệu/ha (3 triệu đồng/sào), nhà máy cho nông dân trả nợ trong 2 năm sau mỗi mùa thu hoạch mía, hỗ trợ không tính lãi suất. Bên cạnh đó, mục tiêu nhà máy đặt ra là năng suất đạt tối thiểu 100 tấn/ha, chữ đường nhà máy cam kết mua mía của nông dân tối thiểu là 10CCS.
Bình Tân là xã thuần nông. Để nông dân sống được với nông nghiệp, có thu nhập khá, thì việc tăng năng suất cây trồng vật nuôi là điều quan tâm nhất. Để nâng cao năng suất và thu nhập cho người trồng mía, không cách nào khác là áp dụng cơ giới hóa. Tuy nhiên, cần phải thực hiện ở những cánh đồng lớn. Việc thực hiện dồn điền đổi thửa ở cánh đồng mía đội 4 là bước đột phá đầu tiên, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới ở Bình Tân.
Bài, ảnh: PV