Tiên phong xây dựng cánh đồng mẫu lớn

06:03, 17/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà máy Đường Phổ Phong (Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi) đã xây dựng chính sách hỗ trợ, vận động nông dân thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn theo phương thức tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng ruộng, hình thành các cánh đồng chuyên canh, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Cánh đồng mía Trải Heo, xã Phổ Nhơn (Đức Phố) chỉ có diện tích 10ha nhưng có đến hơn 150 thửa ruộng nên trước đây rất khó ứng dụng cơ giới hóa. Chỉ đến khi triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích này được gộp lại thành 31 thửa nên rất thuận lợi cho việc cơ giới hóa. Ông Nguyễn Việt Thống, ở xã Phổ Nhơn vui mừng cho hay, trước đây trồng mía chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên rất tốn kém. Hơn nữa, làm thủ công không được hỗ trợ, giờ được nhà máy “tiếp sức” thì còn gì bằng.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người trồng mía.                                                                          Ảnh: PV
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người trồng mía. Ảnh: PV


Để tăng năng suất, ổn định vùng nguyên liệu mía phục vụ chế biến, trong niên vụ mía 2015-2016, Nhà máy Đường Phổ Phong triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 100ha ở các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức và Nghĩa Hành. Tham gia mô mình này, các hộ dân sẽ được Nhà máy đầu tư khoảng 53 triệu đồng/ha cho kỳ 3 năm. Chi phí này thấp hơn rất nhiều so với việc tự đầu tư của nông dân do quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch mía đều được cơ giới hóa đồng bộ.

Chị Bùi Thị Kim Trang có 16 sào đất trồng mía nằm rải rác ở đồng Trải Heo, xã Phổ Nhơn, sau khi được Nhà máy Đường Phổ Phong hỗ trợ kinh phí xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã trút bớt nỗi lo “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa”. Bởi tham gia mô hình, chị cũng như các hộ dân tham gia mô hình không chỉ được Nhà máy Đường cho mượn kinh phí sản xuất mà còn được cam kết về năng suất, chất lượng mía khi thu hoạch. Chị Trang cho rằng, nhà máy cho mượn vốn, hỗ trợ chi phí sản xuất nên nông dân nhất trí làm theo phương án mới. Không những thế, việc áp dụng cơ giới hóa giảm được chi phí trồng, thu hoạch nên thu nhập của người dân sẽ được nâng lên.

Còn ở xã Bình Tân (Bình Sơn), việc tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng đã mở hướng ra cho nhiều nông dân vốn bao đời long đong với cây mía. Ông Bùi Văn Huân - Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết, đồng mía của chúng tôi rất manh mún, thế nên khi doanh nghiệp vào hỗ trợ, sản xuất sẽ rất thuận lợi. Bởi nếu không xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì người nông dân không thể tăng năng suất được.

Ngoài việc cho mượn vốn, Nhà máy Đường Phổ Phong còn thưởng cho các hộ dân tự nguyện sáp nhập ruộng đất có diện tích từ 5ha trở lên với mức 2 triệu đồng/ha. Nhà máy còn cam kết bảo hiểm về năng suất, chất lượng mía với nông dân khi tham gia trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây là hướng đi mới của Nhà máy Đường Phổ Phong trong việc ổn định vùng nguyên liệu mía, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với người nông dân.

Ông Tạ Công Tường - Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong cho biết, hiện nay Nhà máy tập trung ứng vốn cho nông dân tham gia mô hình, đồng thời đưa cán bộ xuống tận đồng mía để chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân. Cùng với việc đưa cơ giới vào sản xuất, từ khâu làm đất đến trồng, nên năng suất mỗi vụ sẽ đạt khoảng 100 tấn/ha, chữ đường 10 CCS. “Chính sách khuyến khích nếu nông dân thực hiện đúng quy trình thì chúng tôi sẽ bảo hiểm. Năng suất, chữ đường thấp hơn, nhà máy sẽ bù, còn cao hơn thì người dân được hưởng” -ông Tường cam kết.

Liên kết trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, có mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, với cam kết về năng suất, chất lượng là cách làm hay, cần được nhân rộng. Bởi làm theo phương thức này, không chỉ nông dân thoát khỏi cảnh phải nơm nớp lo sợ mỗi khi “được mùa, mất giá” mà doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu phục vụ sản xuất. Theo mô hình của Nhà máy Đường Phổ Phong vừa giải quyết được khó khăn trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi do đất đai manh mún, nhỏ lẻ, vừa phù hợp với chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất mà tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung triển khai.
 

Hoàng Hà

 


.