(Báo Quảng Ngãi)- Bước vào vụ tôm mới, nhưng các vùng nuôi tôm tập trung ở các xã Đức Minh (Mộ Đức), Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) khá đìu hiu. Nhiều người dân bỏ hồ trơ đáy, không còn thiết tha tới việc đầu tư nuôi tôm vì lo sợ dịch bệnh...
Là người từng nuôi tôm, ông Nguyễn Lá, thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi nuôi 5ha tôm mà vụ nào tôm cũng khỏe mạnh. Lúc thu hoạch mình cũng phấn khởi. Còn vụ này, gia đình tôi chưa dám nuôi. Nếu có nuôi thì cũng chỉ nuôi trên dưới 1ha thôi”. Cách khu nuôi tôm của ông Lá không xa, anh Nguyễn Văn, thôn Đạm Thủy Bắc cũng đang do dự vì chỉ mới đầu vụ tôm mà đã có những diễn biến không tốt, khiến anh chưa dám thả hết con giống cùng lúc như những năm trước. “Năm nay, chất lượng nước tháo vô hồ bị ô nhiễm nặng quá. Mà nước bị ô nhiễm như thế này thì khi thả tôm xuống sẽ bị nấm và chết hàng loạt. Chính vì thế nên thời điểm này đã vào vụ đầu tiên trong lịch nuôi tôm mà cả khu chỉ có lác đác vài hồ thả giống”.
Là người từng nuôi tôm, ông Nguyễn Lá, thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi nuôi 5ha tôm mà vụ nào tôm cũng khỏe mạnh. Lúc thu hoạch mình cũng phấn khởi. Còn vụ này, gia đình tôi chưa dám nuôi. Nếu có nuôi thì cũng chỉ nuôi trên dưới 1ha thôi”. Cách khu nuôi tôm của ông Lá không xa, anh Nguyễn Văn, thôn Đạm Thủy Bắc cũng đang do dự vì chỉ mới đầu vụ tôm mà đã có những diễn biến không tốt, khiến anh chưa dám thả hết con giống cùng lúc như những năm trước. “Năm nay, chất lượng nước tháo vô hồ bị ô nhiễm nặng quá. Mà nước bị ô nhiễm như thế này thì khi thả tôm xuống sẽ bị nấm và chết hàng loạt. Chính vì thế nên thời điểm này đã vào vụ đầu tiên trong lịch nuôi tôm mà cả khu chỉ có lác đác vài hồ thả giống”.
Một số hộ dân chuẩn bị hồ để nuôi vụ tôm mới. |
Theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT, vụ nuôi tôm đầu năm nay vùng triều sẽ thả giống từ ngày 10.3 và thu hoạch ngày 31.7 và chỉ nuôi 1 vụ/năm. Còn đối với vùng cát sẽ nuôi hai vụ. Vụ đầu dự kiến bắt đầu từ ngày 1.3 và thu hoạch ngày 30.6. Vụ thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 15.8, thu hoạch từ ngày 30.12 của năm.
Đối với vùng triều, điều kiện hạ tầng không đảm bảo nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nên thời gian thả giống bắt đầu từ tháng 3 và những diện tích này sẽ được nuôi xen kẽ các loại thủy sản khác nhằm cải thiện môi trường, nguồn nước.
Còn không bao lâu nữa bà con ở các khu vực nuôi tôm tập trung sẽ bắt tay vào nuôi các vụ chính, nhưng những nỗi lo cũ về dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm… khiến nhiều người do dự trong vụ tôm mới này.
Trước tình hình đó, ngay những ngày đầu tháng 1.2015, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y kịp thời kiểm tra, kiểm dịch nguồn giống của các cơ sở trước khi xuất bán. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân nên chọn mua giống chất lượng, có kiểm dịch, để đảm bảo chất lượng con giống trong quá trình thả nuôi. Theo lãnh đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, dù có lịch thời vụ nhưng năm nào cũng có nhiều hộ dân không tuân thủ.
Chính vì thả giống không đúng lịch nên ông Phạm Quốc Dương ở xã Tịnh Kỳ lo lắng: “70 vạn con tôm giống tôi mới thả cách đây 15 ngày, nhưng thời tiết thay đổi cũng như nước bị ô nhiễm nên tôi cũng lo tôm bị bệnh mà chết. 3 tháng trước tôi cũng đã liều thả một vụ thì không thấy có biểu hiện gì. Tôm vẫn lớn và phát triển bình thường, thu hoạch cũng được. Còn vụ này thì chưa thể nói trước…”.
Điều đáng nói là, nếu người dân không thả nuôi đúng lịch thời vụ mà tự tiện thả tôm theo ý của mình thì thường xảy ra dịch bệnh do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để nuôi tôm đạt hiệu quả, trước hết người dân phải thực hiện theo đúng lịch thời vụ. Ngoài ra, năm nay sẽ triển khai việc giãn lịch nuôi tôm so với những năm trước nhằm phục hồi môi trường, cải thiện nguồn nước; đồng thời xây dựng các khu nuôi tôm tập trung một cách đồng bộ để tăng cường sự hỗ trợ trong sản xuất cũng như cung cấp lượng tôm giống. Từ đó, phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời chữa trị, chọn mua tôm giống đạt chất lượng và phải kiểm dịch tôm trước khi thả nuôi đại trà.
Bà Đỗ Thị Thu Đông – Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Dự kiến năm nay cả tỉnh sẽ nuôi tôm trên diện tích 600ha và sản lượng ước đạt trên 4.700 tấn. Tuy nhiên đó mới chỉ là kế hoạch. Còn việc thực hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện khác như người dân có tuân thủ đúng lịch thời vụ hay không... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra để nắm bắt tình hình nuôi tôm ở các địa phương. Từ đó đưa ra nhiều cách giải quyết hợp lý nhất cho người nuôi an tâm vào vụ mới”.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU