Nghề buôn bán rơm vào vụ

04:03, 12/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Vào thời gian đỉnh điểm,  các loại xe tải lớn nhỏ cứ nối đuôi nhau tại các làng có nghề buôn bán rơm chờ mua, đem về làm đệm lót cho dưa hấu trong quá trình vận chuyển để tránh hư hỏng. Theo đó lợi nhuận mang về cho nhiều chủ buôn rơm cũng khá cao.

TIN LIÊN QUAN

Lượng rơm tiêu thụ phụ thuộc vào dưa

Tháng 3, khi vụ dưa hấu ở Quảng Ngãi bắt đầu thu hoạch, cũng là lúc các làng bán rơm trong tỉnh vào vụ. Tại các điểm bán nằm dọc theo Quốc lộ 1 của làng rơm thôn Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, khá nhiều xe ô tô tải trọng 6-10 tấn đang đậu mua rơm chất lên xe.

Bây giờ mới đầu vụ dưa nên còn ít, chứ lúc cao điểm xe ô tô đến chờ mua xếp cả hàng dài, anh Tùng, người dân ở đây kể. Anh Nguyễn Hữu Tài (32 tuổi), tài xế xe tải quê ở huyện Bình Sơn, cho biết: Với tải trọng cho phép của xe khoảng 10 tấn, tùy từng thời điểm giá cả lên xuống mà số tiền mua rơm để lót cho dưa mỗi chuyến dao động từ 3-5 triệu đồng.

 

Một điểm bán rơm ở Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức
Một điểm bán rơm ở Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức


Theo lời của các chủ rơm ở đây, thì rơm chủ yếu là bán để lót dưa, còn trồng nấm, thức ăn cho gia súc không đáng kể. Vì vậy năm nào dưa tiêu thụ mạnh và được vận chuyển đi nơi khác, mà chủ yếu là ra  Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc nhiều, thì giá rơm tăng cao và ngược lại.

Riêng tại thời điểm này, giá rơm được bán khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có rơm sẵn. Nhiều khi dưa hút hàng, muốn mua rơm phải gọi điện thoại đặt trước 5-7 ngày mới có, một tài xế tên Vũ, đang ngồi bên góp chuyện.

Để tiết kiệm khoảng chi phí này, thông thường các chủ đại lý thu mua dưa, tài xế sau khi vận chuyển dưa đến nơi, gom giữ lại số rơm cũ để vận chuyển cho chuyến sau.

Kiếm tiền triệu từ rơm

Qua quan sát, hiện ở Quảng Ngãi có khá nhiều làng làm nghề buôn bán rơm, nằm chủ yếu dọc theo  Quốc lộ 1. Nhưng nhiều nhất là đoạn đi qua 2 xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ và Đức Lân, huyện Mộ Đức, với số hộ tham gia lớn nhỏ ước hiện trên 40 người.

Theo lời các hộ buôn rơm, thì nghề này ra đời được khoảng 15 năm và thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận được cho là nơi khởi đầu. Một chủ buôn rơm tên Huệ (45 tuổi), ở Kim Giao kể: Hơn 14 năm trước, thấy có nhiều người đánh xe ô tô đến hỏi mua rơm để lót dưa hấu vận chuyển đi nơi khác cho khỏi dập, hư hỏng nên một số người đã đi mua rơm về bán.

 

 Phương tiện ô tô đang đậu để chở rơm
Phương tiện ô tô đang đậu để chở rơm



Từ chỗ ban đầu chỉ một vài hộ đã tăng lên hàng chục, rồi lan sang xã bên cạnh là Đức Lân và nhiều nơi khác trong tỉnh. Để có rơm bán, cứ vào vụ thu hoạch lúa các chủ vựa rơm cho người vào các cánh đồng trong tỉnh mua về trữ.

Cách đây 3-4 năm thì giá rơm mua tại ruộng chỉ khoảng 80.000 đồng/sào(500m2), thế nhưng hiện đã tăng lên 200.000 đồng/sào. Cộng chi phí thuê người gom, tiền chuyên chở về được đến nhà thì giá rơm là khoảng 400.000 đồng/sào, chị Vân, một chủ buôn bán rơm tính toán.

Tuy không nói chính xác, thế nhưng các chủ buôn rơm cho biết: Lợi nhuận khá cao. Ít thì 20-40 triệu đồng/năm, nhiều thì trên dưới 100 triệu đồng/năm. Nghề buôn rơm đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình và cả người trồng lúa, thế nhưng cũng tiềm ẩn hiểm họa gây cháy do bất cẩn cũng khá cao.

Vì vậy các cấp ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền về  phòng cháy chữa cháy cho những hộ làm nghề này.
                  

 Công Hoàng
 


.