(Báo Quảng Ngãi)- Tết Ất Mùi 2015 được đánh giá là cái tết hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do đầu vào sản xuất hàng hóa cả năm ổn định và trong suốt năm cũng không xảy ra dịch bệnh lớn, ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đều đảm bảo nguồn cung dự trữ hàng Tết Ất Mùi tăng 10% so với Tết Nguyên đán 2014. Tuy nhiên, do sức mua không tăng nhiều dẫn đến hàng hóa Tết đến thời điểm này bị tồn kho với số lượng không nhỏ.
Cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đưa hàng về miền núi, hải đảo. |
Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương lo lắng vì hàng tồn kho thì vốn bị “chôn”, rủi ro cao và cả nguy cơ hàng hóa phải đối diện với việc hết hạn sử dụng.
Tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bánh kẹo, giày dép, quần áo vào thời điểm hiện nay, nhiều gian hàng không mấy thay đổi so với trước Tết. Hàng hóa chất cao mà trong ấy chủ yếu là hàng Tết, dù Tết đã đi qua hơn 20 ngày.
Nhiều cửa hàng, cửa hiệu, tiệm tạp hóa dọc các tuyến đường, hàng hóa bày bán vẫn chủ yếu mang bao bì “cành mai, cành đào” và hàng chữ “Chúc mừng năm mới”. Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng thì sau Tết lại không mấy hứng thú chọn lựa những mặt hàng này để dùng, dù hạn sử dụng vẫn còn khá dài.
Theo báo cáo của Sở Công thương, lượng hàng dự trữ Tết Ất Mùi trong toàn tỉnh lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó có không ít mặt hàng hạn sử dụng không dài như các loại thực phẩm chế biến sẵn, một số loại mứt, bánh tết. Thế nhưng, do sức mua chỉ tăng nhẹ so với ngày thường nên hàng hóa còn tồn đọng khá lớn.
Các mặt hàng quần áo, giày dép cũng được dự đoán là tết sẽ tăng cao, các chủ cửa hàng kinh doanh nhập hàng về khá lớn, nhưng sức mua lại không tăng. Đặc biệt, nhiều loại quần áo ấm đắt tiền vì tết thời tiết không lạnh, nên sức tiêu thụ dường như “dậm chân tại chỗ”.
Nhà bán lẻ chuyên nghiệp là Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi có lẽ có nhiều lợi thế trong trữ hàng hóa, tiêu thụ và giải quyết hàng tồn đọng nhất. Bởi lẽ, đây là hệ thống bán lẻ. Hàng hóa được điều tiết cho các siêu thị trong toàn quốc, nên phải luôn đảm bảo dồi dào và là hàng mới.
Hệ thống bán lẻ này còn có một lợi thế mà không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có. Đó là khi hàng hóa gần hết hạn sử dụng, Siêu thị sẽ trả về cho nhà sản xuất và yêu cầu đổi hàng mới để đưa vào cung ứng cho người tiêu dùng. Và năm nay, rất nhiều hàng hóa Tết còn tồn nếu hạn sử dụng gần “chạm trần” cũng sẽ được siêu thị thực hiện theo phương án “đổi hàng cũ lấy hàng mới”.
Các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo khác thì qua Tết sức mua giảm đáng kể, người kinh doanh đành bấm bụng “bán được thế nào hay thế ấy”. Chị Trần Thu Trang, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Trung Đình than vãn: “Chưa năm nào mà hàng Tết ế ẩm như năm nay. Lấy về mấy tấn hạt dưa, bánh kẹo ngon, hạt dẻ, vốn cả mấy trăm triệu, thế mà bán chỉ thu được khoảng 30% vốn. Giờ thì chưa biết tính thế nào, cứ nghỉ ngơi đã rồi mới tính tiếp. Nhưng có lẽ lại nhờ chỗ cung ứng hàng thông cảm, cho mình trả lại một ít gọi là chia sẻ rủi ro với nhau trong làm ăn”.
Một số hộ bán lẻ thì đã áp dụng giải pháp giảm giá bán xuống ngang bằng với giá lấy vào, để bằng mọi cách thu hồi vốn. Thậm chí đối với hàng gần hết hạn sử dụng, họ sẵn sàng chịu lỗ, giảm giá sâu để “đẩy” hàng hóa đi.
Có thể nói, một cái Tết bình yên cho mọi nhà, nhưng sức mua không mạnh đã làm cho không ít người kinh doanh rơi vào khó khăn do dự đoán chưa đúng cung - cầu.
Bài, ảnh: THANH NHỊ