(Báo Quảng Ngãi)- Cau được giá, đót cũng đến mùa thu hoạch, đây là niềm vui của hầu hết đồng bào huyện Sơn Tây. Những tín hiệu vui này làm cho bà con càng trở nên phấn khởi hơn trong những ngày đầu năm mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Rộn ràng mùa thu hoạch đót
Những ngày sau Tết, bà con các xã Sơn Tân, Sơn Bua, Sơn Mùa… tất bật vào rừng để thu hoạch đót. Năm nay, mùa thu hoạch đót muộn hơn những năm trước, nhưng giá thu mua của các tiểu thương rất cao nên người dân có được khoản thu nhập đáng kể để trang trải những ngày sau Tết.
Vào rừng từ lúc sáng sớm và trở về với bó đót to trên vai, anh Đinh Văn Hội, xã Sơn Bua phấn khởi: “Đót đã rộ nên ai ai cũng phải nhanh chân mới chặt được nhiều. Năm nay thu hoạch đót trễ hơn mấy năm trước nhưng giá cao. Hễ chặt được nhiều là tranh thủ xuống núi để bán”.
Không chỉ bà con ở Sơn Bua, mà hầu hết đồng bào trong huyện Sơn Tây rất phấn khởi trong mùa thu hoạch đót. Đây là một “điều kiện cần” để bà con xoay xở lo cho cuộc sống những ngày sau Tết. “Sau Tết, biết bao nhiêu cái phải lo. Tuy đót không phải là thu nhập chính nhưng đót cũng đã giúp bà con chúng tôi bớt đi phần nào gánh nặng và lo cho cuộc sống những ngày sau Tết”, chị Đinh Thị Miên, xã Sơn Dung chia sẻ.
Người dân phấn khởi vì được mùa và nhiều tiểu thương thu mua đót ở các địa phương của huyện Sơn Tây cũng rất mừng vì năm nay đót nhiều và đẹp hơn những năm trước. Hằng ngày, họ thu mua đến hàng trăm kilôgam đót, sau đó phơi khô và vận chuyển đến các cơ sở sản xuất.
Đang loay hoay bó số đót vừa mua, chị Nguyễn Thị Thu Thanh, tiểu thương ở xã Sơn Tân cho biết: “Năm nay chúng tôi mua đót khô giá từ 15 – 17 nghìn đồng/kg, còn đót tươi thì 5 nghìn/kg. Với giá như vậy bà con ở đây ai bán cũng vui nên chặt được bao nhiêu họ cũng chở đến đây bán cho tôi. Từ đầu mùa đến nay tôi đã thu mua vài tấn đót rồi”.
Trúng mùa cau
Vừa được mùa đót, thời gian gần đây bà con ở Sơn Tây cũng được mùa cau với giá cao ngất ngưỡng so với những năm trước. Giá cau có lúc lên đến 120 nghìn đồng/kg, nên ai cũng phấn khởi.
Khi cau được giá, người dân tập trung chăm sóc với mong muốn có thêm nguồn thu nhập. |
Năm nay vợ chồng anh Đinh Văn Xia, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung đã thu về gần 5 triệu đồng từ bán cau. Anh Xia phấn khởi: “Nhà tôi trồng hơn 100 cây cau nên cũng cho thu hoạch lai rai. Hồi trước Tết vợ chồng tôi bán mỗi ký cau với giá 80 nghìn đồng, rồi có khi 100 nghìn đồng. Sau đó thì giảm nhưng vẫn còn cao hơn các năm”. Còn chị Đinh Thị Hơn thì chia sẻ: “Mấy ngày nay, nhờ bán được cau nên gia đình tôi có tiền để lo cái ăn, cái mặc, lo chuyện học hành cho các con và nhiều việc khác nữa. Sau Tết nhiều gia đình túng thiếu, nhưng nhờ bán được cau nên cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ hơn nhiều”.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, tổng diện tích cau của huyện hơn 1.400ha. Sơn Tây được xem là “thủ phủ cau” của Quảng Ngãi. Chính vì năm nay cau được giá nên bà con ở đây có khoản thu nhập cao, giúp họ phần nào ổn định cuộc sống.
Tuy cau đang được giá và nhiều người dân tỏ ra phấn khởi nhưng cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bởi lẽ, thị trường tiêu thụ cau trong nước đang phụ thuộc vào sức mua của nước ngoài. Khi sức mua tăng mạnh thì cau có giá và ngược lại. Chính vì giá cau không ổn định, lên xuống thất thường khiến người trồng cau bao lần lao đao. Theo ông Trần Thế Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, tuy cau được giá, nhưng các cơ quan chức năng không khuyến khích bà con trồng nhiều, vì đầu ra và giá cả của cau bấp bênh”.
Bài, ảnh: Đ.DIỆU – N.VIÊN