(Báo Quảng Ngãi)- Biển khơi mênh mông, thiên tai, nhân tai luôn rình rập mỗi con tàu. Đã nhiều năm rồi, ông Huỳnh Hiển, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có cách ra khơi đánh bắt theo “tập đoàn nghề cá gia đình”. Cách làm của ông không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế rủi ro trên biển.
Biển không phụ công người
Cả đời đi biển, bây giờ ở phía bờ điều khiển cả một đội tàu đánh bắt theo “tập đoàn” ở khơi xa, ông Huỳnh Hiển đã nghiệm ra một lẽ: “Dù có khó khăn, gian nan trên đường ra khơi, nhưng cố gắng thì biển vẫn không phụ công người”. Ông Hiển tự hào lấy mình làm bằng chứng. Thuở nhỏ, ông là cậu bé sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, đông anh em ở làng chài. Bỏ học sớm, chỉ có hai bàn tay trắng, ông theo tàu bạn ra khơi. Thế rồi, nhờ yêu biển, bám biển mà giờ đây ông đã có trong tay cả thảy 4 đôi tàu, trị giá trên 10 tỷ đồng. Mỗi chuyến ra khơi, đội tàu gia đình ông cùng với bà con trong dòng họ tập hợp lại như một “tập đoàn” đánh bắt nơi Biển Đông. Hằng năm gia đình thu về gần chục tỷ đồng từ biển.
Làm ăn hiệu quả, trong những năm qua, ông Hiển liên tục đóng mới tàu để vươn khơi. |
Nhìn ông Hiển ở tuổi 70, nhưng dáng rắn rỏi cũng đủ cho thấy cả một đời ông phải can trường đối diện với sóng gió nơi biển khơi. Ông bảo: “Thu được bạc tỷ cũng nhờ nhớ kỹ những bài học kinh nghiệm từ đi biển”. Cứ mỗi lần rút cho mình kinh nghiệm ông Hiển phải chịu tổn thất nặng nề. Lúc thì rách lưới, mất cả dụng cụ, phương tiện đánh bắt, lúc thì chìm tàu, bị tàu nước ngoài rượt đuổi, hay có chuyến đi về khoang tàu nhẹ tênh...
Thất bại chỗ nào, ông Hiển quyết định đứng lên chỗ đó. Từ thực tế trên biển, ông Hiển ghi chép khá cẩn thận vào sổ nhật ký trước khi Nhà nước bắt buộc ghi nhật ký trên mỗi chuyến tàu ra khơi để tránh rủi ro. Ở cuốn nhật ký của mình, ông ghi nơi nào gặp luồng cá, nơi nào có đá bàn làm rách lưới, mùa nào cá ở vị trí nào, mùa nào nước chảy, cá di chuyển về đâu?... Sau vài năm thuộc làu từng vùng biển, đoán định được thời tiết, tàu ông quăng lưới xuống vùng nào là thu được hàng tấn cá, tôm nơi đó. Nay tuổi cao sức yếu, ông truyền lại kinh nghiệm cho các con, các cháu “cầm cương” mỗi con tàu ra khơi đánh bắt.
Ở xã Phổ Thạnh còn có nhiều hộ đi lên từ hai bàn tay trắng như ông Hiển, và nhờ biển khơi họ trở thành tỷ phú. Ông Nguyễn Duy Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: Toàn xã có khoảng 20 hộ, mỗi hộ sở hữu từ 2-3 đôi tàu và khoảng 200 hộ sở hữu một đôi tàu trị giá hàng tỷ đồng, thuộc các làng chài Thạch Bi 1, Thạch Bi II, Thạnh Đức I và Thạnh Đức II.
Hiệu quả đánh bắt theo “tập đoàn”
Theo ông Hiển đánh bắt theo tập đoàn có lợi nhiều thứ. Như truyền đạt kinh nghiệm cho nhau để đánh bắt. Đội tàu này đánh bắt ở vị trí này vướng phải đá ngầm thì tàu khác rút kinh nghiệm để né tránh. Nhờ đó, hơn 7 năm rồi, kể từ ngày đội tàu của các con ông ra đánh bắt ở vùng biển Quảng Bình – vùng biển nổi tiếng lắm cá nhưng nhiều rạn san hô, gành đá, gần 10 đôi tàu của gia đình, dòng họ ông đánh bắt chuyến nào về cũng đầy cá.
Nhiều tàu ở Quảng Bình và các tỉnh bạn thấy thế đua nhau đưa tàu đến đánh bắt nhưng luôn thất bại. Lúc thì rách lưới, lúc vướng phải đá ngầm. Ông Hiển thật thà: “Có tài giỏi gì đâu. Mỗi lần gặp nạn là phải cẩn thận ghi vào nhật ký, vị trí, tọa độ... Vùng biển đánh bắt đến vài chục hải lý mà chúng tôi thuộc làu từng hòn đá, rạn san hô trong lòng biển. Sau mỗi chuyến biển, đội tàu này họp lại với nhau, truyền tay nhau xem những dòng nhật ký trên biển. Qua đó tự rút kinh nghiệm đánh bắt nên mới hạn chế được rủi ro”.
Ông Hiển còn cho rằng, đánh bắt theo “tập đoàn gia đình” còn hạn chế được tai nạn khi bão biển đến. Hằng ngày ở đất liền ông theo dõi thời tiết, rồi qua hệ thống Icom ở nhà thông báo cho một tàu trên biển là lập tức cả đội tàu đều biết tình hình. Đánh bắt theo “tập đoàn” còn có những lợi khác như tàu này gặp phải luồng cá khủng nhưng không đánh bắt hết thì có thể kêu gọi tàu bên đến quăng lưới cùng thu.
Đặc biệt trong những năm gần đây, tàu ra khơi luôn gặp rủi ro. Thiên tai có thể lường trước qua những hệ thống thiết bị hiện đại, nhưng nhân tai thì khó lường. Ông Hiển bảo: “Có nhiều lần tàu lạ kè sát bên tàu mình, lập tức những chiếc đi cùng đến vây quanh là chúng bỏ đi”.
Nhiều năm rồi ra khơi đánh bắt theo “tập đoàn” nghề cá gia đình, đội tàu ông Hiển đã chinh phục được nhiều vùng biển lắm cá, hạn chế rủi ro, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trên biển và ở đất liền. Riêng 4 đôi tàu của ông trong năm qua trừ chi phí thu được hơn 4 tỷ đồng.
Bài, ảnh: MAI HẠ