(Baoquangngai.vn)- Nói đến đảo Lý Sơn, ai cũng nghĩ ngay đến nghề trồng hành, tỏi lâu đời trên hòn đảo tiền tiêu này. Thế nhưng một bài toán đang đặt ra là làm gì để sản xuất nông nghiệp trên đảo bền vững trong thời điểm nước ngọt và cát ngày càng cạn kiệt?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lặn lội ra khơi lấy cát trồng tỏi
Với câu hỏi: “Cây tỏi có mặt trên đảo Lý Sơn từ bao giờ?”, có lẽ không một ai có câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, trồng hành, tỏi là nghề cha truyền con nối của người dân Lý Sơn từ bao đời nay. Cùng với đất thịt, cát biển và khí hậu góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của hành, tỏi Lý Sơn mà không nơi nào có được.
Chục năm về trước, các gia đình vẫn thường ra bờ biển lấy cát về trồng hành, tỏi. Sau một đến hai năm canh tác, cát trắng chuyển dần thành cát pha nên lượng cát này bị bỏ đi và thay vào đó là cát mới.
Do việc lấy cát dễ dàng nên người dân không ý thức trong việc sử dụng hợp lý nguồn cát biển quý giá này cộng với gia tăng vòng xoay của đất và mở rộng diện tích, sự khai thác cát ồ ạt khiến bờ biển sạt lở, thủy triều xâm nhập.
Khi có lệnh cấm khai thác cát gần bờ, người nông dân huyện đảo lại lặn lội ra biển lấy cát. Trò chuyện với lão nông tên Hòa ở xã An Hải được biết: Những người hành nghề lấy cát biển bán cho người trồng tỏi phải ra ngoài khơi cách bờ tận 2-3 km hút cát bán người trồng hành, tỏi.
Ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn kiểm tra tình hình sử dụng nước trên đảo Lý Sơn. |
Ngày xưa khi thì chỉ xuống ở độ sâu 5 mét là có thể hút đầy bè đến 20 khối cát, bây giờ giữa biển khơi nhưng cát có vẻ cũng cạn dần. Có hôm người ta phải đến tận độ sâu mười mấy mét mới hút được cát.
Việc lấy cát gần bờ hậu quả rõ ràng, còn bây giờ hút cát xa bờ cũng chẳng tránh khỏi tác hại tiêu cực đến môi trường sinh thái, gây sạt lở đến vùng ven bờ. “Hút cát như thế dần dần sẽ tạo thành các hố sâu giữa lòng biển. Mỗi ngày mỗi ít triều cường lấy cát vùng ven bờ bồi lấp vào khoảng trống ấy, hóa ra lại gián tiếp gây sạt lở tiếp cho vùng ven bờ. Dù lấy cát kiểu gì cũng uy hiếp đến vùng ven bờ”- một vị lãnh đạo của huyện Lý Sơn lý giải.
Giọt nước- giọt vàng
Lý Sơn là một huyện đảo nên không có nguồn nước mặt tự nhiên từ sông, suối, nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống trên đảo chủ yếu là khai thác từ nguồn nước ngầm bằng giếng khoan, giếng đào.
Thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất của người dân huyện đảo tiền tiêu, hồ chứa nước Thới Lới có dung tích 270.000 m3 được xây dựng và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, nếu tích nước đầy chỉ phục vụ tưới đủ cho trên 60ha, cấp nước sinh hoạt cho 1.000 người dân xã An Hải và cấp nước ngọt cho khoảng 300 tàu thuyền đánh cá. Trong khi trên đảo này có tới gần 22.000 dân. Tổng diện tích đất gieo trồng gối vụ lên đến 1.296 ha.
Theo ước tính của huyện, nếu thời tiết nắng hạn kéo dài thì diện tích gieo trồng có khả năng bị hạn 569ha. Để đủ nước tưới cho vụ tỏi đông xuân, người dân phải thuê bơm nước từ vùng thấp lên vùng cao qua nhiều đoạn làm cho chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Đến đảo vào những ngày này khi đang vào thời điểm cuối vụ hành tỏi, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân căng mình chống chọi với nắng nóng để cứu cây tỏi, cây hành. Do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài làm các giếng nước bị nhiễm mặn và một số giếng bị cạn. Vào mùa khô, Lý Sơn thiếu nước trầm trọng. Đơn cử như vào năm 2013, lượng nước thiếu hụt gần 30% nhu cầu sử dụng và việc khai thác nước ngầm hiện nay đang cảnh báo ở mức mất an toàn của túi nước ngầm của huyện đảo Lý Sơn.
Cứ vào mùa khô, Lý Sơn lại căng thẳng về chuyện nước sinh hoạt và sản xuất. |
Lời giải?
Cách đây hơn 10 năm, đã có công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cải tạo đất canh tác hành, tỏi theo phương thức mới để chấm dứt khai thác cát ven biển, nhưng thất bại, giờ đây, đề tài được “hồi sinh”.
Phải nói rằng tỏi trên đảo Lý Sơn phát triển rất tốt, nhưng lấy cát để trồng thì không ổn. Sở KH&CN đang thực hiện đề tài sản xuất tỏi Lý Sơn theo hướng bền vững, sẽ không thay cát, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu dự án này thành công, sẽ giải quyết bài toán khai thác cát hiện nay.
Với vấn đề nước ngọt, ông Nguyễn Thanh- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất là xây các bể ngầm dưới chân các ngọn núi để tích nước ngọt vào mùa mưa và xử lý nước biển thành nước ngọt để tạo nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đáp ứng hoạt động du lịch trên huyện đảo.
Tại buổi làm việc với huyện mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh cho rằng giải pháp này có vẻ thiết thực, nhưng để thực hiện được là cả một quá trình không phải một sớm một chiều mà làm ngay được.
Cần thực hiện đồng bộ các chiến lược hỗ trợ trong nông nghiệp. Trước mắt phải tuyên truyền, vận động sự vào cuộc của nhân dân trên đảo và cả cộng đồng. Đảm bảo phát triển nông nghiệp trên đảo phải gắn với du lịch, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
Bài, ảnh: Ái Kiều