(Baoquangngai.vn)- Dù đã có 65 chủ tàu được tỉnh đồng ý cho vay vốn để cải hoán, đóng mới tàu theo Nghị định 67. Dẫu vậy, Quảng Ngãi mới chỉ có 2 chủ tàu được ngân hàng giải ngân cho vay vốn. Vậy đâu là “nút thắt” của dòng tín dụng này?
Loay hoay với thiết kế mẫu, máy mới hay máy cũ
Sau 6 tháng Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, Quảng Ngãi đã thực hiện xét duyệt cho 65 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn để cải hoán, đóng mới tàu cá. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn lúng túng nên mới chỉ có 2 chủ tàu được tiếp cận với nguốn vốn hơn 10 tỷ đồng.
Bộ đã đưa ra 21 mẫu tàu, thế nhưng ngư dân cho rằng không phù hợp với đặc điểm ngư trường lại muốn đóng tàu phù hợp để điều khiển con tàu được tốt nhất. Lẽ ra khi thiết kế mẫu nên cho chủ tàu đến tiếp cận để tham khảo ý kiến của họ. Nhiều ngư dân do không đồng ý với mẫu tàu của Bộ đã xin rút khỏi danh sách đăng ký vay vốn.
Ngư dân Nguyễn Duy Trinh ở xã Tịnh Kỳ hiện là chủ sở hữu của một chiếc tàu cá hơn 200CV đang đánh bắt ở vùng biển Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã được tỉnh phê duyệt nhưng không phải được vay vốn ngay.
Để đóng được một con tàu phải qua quá nhiều công đoạn. Ngư dân đang phân vân chưa biết nên theo thiết kế mẫu của Bộ hay tự thuê công ty thiết kế. Nếu chọn theo thiết kế của Bộ thì không tốn tiền nhưng lại không phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu.
Ngư dân muốn được tận dụng máy cũ để giảm giá thành. |
Chẳng hạn như thiết kế mẫu tàu dành cho 12 người, còn mình muốn 14 người thì phải sửa chữa, nâng cấp thêm. Làm vậy xem ra lại khó nên chủ tàu muốn tự thuê thiết kế thì phải bỏ ra đến vài trăm triệu. Mà ngân hàng giới thiệu có 1 công ty tư vấn, thiết kế nên chủ tàu không có nhiều sự chọn lựa.
Đơn cử như vỏ thép Trung Quốc hay vỏ thép Nhật hoặc vỏ thép Nga, mỗi nhà sản xuất có đơn giá khác nhau trong khi không có bảng giá tham khảo, ngư dân không trực tiếp giám sát nên băn khoăn, không an tâm về chất liệu. .
Qua trao đổi với ngư dân, vấn đề khiến ngư dân băn khoăn dù rất muốn tiếp cận là quy định tàu khi nâng cấp phải sử dụng máy mới 100% nhưng ngư dân lại muốn sử dụng máy cũ để giảm giá thành khi đóng mới tàu. “Giữa máy mới và máy cũ chênh lệch cả tỷ đồng. Máy cũ vẫn chạy tốt, tại sao phải thay máy mới cho tốn kém”- chủ tàu Phạm Trí Thức ở xã Tịnh Kỳ lý giải.
Giá thành đóng tàu vỏ thép quá cao khiến nhiều chủ tàu e dè. Có 2 chủ tàu đăng ký vay vốn 16,9 tỷ, nhưng khi ngân hàng tính ra 1 năm trả 1,4 tỷ ngư dân thấy sợ nên rút lui.
Ngân hàng vẫn chưa thông suốt
Thực tiễn cho thấy, “nút thắt” không chỉ ở khâu thiết kế mẫu, phân vân máy mới máy cũ, giá thành mà còn ở khâu thẩm định hồ sơ, ngân hàng cũng chưa thông suốt khiến nhiều chủ tàu lo ngại phức tạp và rắc rồi về thủ tục nên đã tự vay vốn ở ngoài chứ không đăng ký danh sách vay vốn theo Nghị định 67.
Ngư dân vẫn nghĩ rằng, sau khi tỉnh đã phê duyệt thì sẽ được ngân hàng cho vay. Quy định chủ tàu chỉ cần đáp ứng được vốn đối ứng thì sẽ được cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, không đơn giản vậy. Thậm chí, có ngân hàng yêu cầu cao hơn ở tài sản thế chấp bổ sung.
Một số ngân hàng vẫn ít mặn mà với chính sách này. |
Các ngân hàng cũng do dự không dám cho vay với trường hợp trong hồ sơ đăng ký làm nghề này, nhưng thực tế thiết kế lại làm nghề khác. Trong thực tế còn có một lý do nữa làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn Nghị định 67. Đó là, theo phong tục, các chủ tàu “kiêng” đóng tàu 2 năm, vì vậy đa số có tư tưởng đợi sang năm 2015 mới ký hợp đồng đóng tàu và vay ngân hàng.
Phải đẩy nhanh tiến độ
Trong cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chỉ rõ: Mới 2/65 tàu được giải ngân là quá thấp. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng thương mại chưa tích cực tiếp cận các chủ tàu, ít quan tâm, ít mặn mà, chưa thực hiện đúng tinh thần, quy định của Nghị định 67.
Các ngân hàng chưa nắm rõ vì theo quy định đóng tàu vỏ gỗ không có thiết kế mẫu, chỉ cần đủ năng lực tài chính đáp ứng vốn đối ứng chứ không phải có tài sản lớn, nhà lầu, ô tô mới cho vay.
Việc cho phép ngư dân được dùng máy cũ hay máy mới đã được Chính phủ ghi nhận, còn việc của các ngân hàng và các địa phương và các cơ quan liên quan là cùng nhau phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ.
“Thận trọng là cần thiết, nhưng không vì thế mà làm chậm tiến độ, phải tích cực với những trường hợp đủ điều kiện. Các ngân hàng sau khi nhận thủ tục hồ sơ, có thiết kế, dự toán của ngư dân trong vòng 15 ngày phải trả lời cho chủ tàu được hay không?. Khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xem xét kiến nghị với Trung ương”- ông Phạm Trường Thọ nói.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở LĐ TB&XH phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân đi học lớp thuyền trưởng, máy trưởng, đồng thời tuyên truyền vận động ngư dân tham gia chính sách bảo hiểm.
Bài, ảnh: Ái Kiều