Cuộc vận động Người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam: Loay hoay tìm giải pháp

10:02, 02/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- 5 năm qua, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là Cuộc vận động) đã  được nhân dân trong tỉnh đồng thuận cao, hưởng ứng tích cực và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng của cuộc vận động vẫn chưa đạt yêu cầu vì thiếu giải pháp hữu hiệu.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Đây là Cuộc vận động mang nhiều ý nghĩa, đòi hỏi mọi tầng lớp người dân tham gia. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, cuộc vận động này dường như chỉ tập trung ở ngành Công thương với những hoạt động gắn liền với quản lý nhà nước về thương mại, bao gồm: Thị trường hàng hóa, sản phẩm; ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại; thực hiện giải pháp bình ổn giá thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn. Còn các ngành khác, đặc biệt là ngành văn hóa thông tin – cơ quan được Ban chỉ đạo Cuộc vận động xác định là chủ chốt trong thực hiện tuyên truyền cuộc vận động này lại chưa có động thái tích cực thực hiện nhiệm vụ.

Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi đưa hàng Việt về phục vụ người dân huyện miền núi Tây Trà.
Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi đưa hàng Việt về phục vụ người dân huyện miền núi Tây Trà.


Đánh giá chung về cuộc vận động, Ban chỉ đạo đã chỉ rõ nhiều hạn chế. Đó là: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục nên sức lan tỏa chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam tuy có được nâng cấp, mở rộng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; chưa thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp. Một số hàng hóa của Việt Nam có giá cả chưa phù hợp và chất lượng chưa đảm bảo; thông tin quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng chưa rõ ràng, đầy đủ.

Nguyên nhân của những hạn chế này là do một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện cuộc vận động tại đơn vị, địa phương. Trong quản lý nhà nước, một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, phân phối, lưu thông và tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh cho hàng hóa Việt Nam còn bất cập.

Công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng chưa đúng mức; công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa triệt để. Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh còn có mặt hạn chế, như chưa kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở triển khai thực hiện có lúc chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trực quan chưa đạt yêu cầu. Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa của cuộc vận động; chưa đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người dân vẫn còn…

Giải pháp khắc phục

Chặng đường tiếp theo, Ban chỉ đạo Cuộc vận động xác định 4 giải pháp chủ yếu để đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu chất lượng. Đó là đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện cuộc vận động; đề cao trách nhiệm gương mẫu của cơ quan đơn vị và người đứng đầu trong mua sắm và tiêu dùng, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt; địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch để thực hiện cuộc vận động đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa của cuộc vận động để liên kết tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân; đề xuất tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh kịp thời, mở rộng phân phối sản phẩm hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nông thôn, hải đảo.

Xét trên bình diện tổng thể, các giải pháp này vẫn chưa có gì mới, và chưa mang tính đột phá so với những giải pháp của giai đoạn trước đó. Cuộc vận động này chỉ thật sự đi vào chiều sâu khi tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam của người Việt. Và việc tạo thói quen này không chỉ dựa hết vào công tác tuyên truyền, phổ biến mà phải được thuyết phục bằng thước đo chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa Việt Nam.

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, dường như việc vận động mới chỉ làm theo hô hào chứ chưa có phong trào rõ ràng, cụ thể, chất lượng, hiệu quả. Các hoạt động đưa hàng về miền núi, nông thôn, bán hàng khuyến mãi, phiên chợ hàng Việt cũng dường như vẫn nhắm tới lợi nhuận cho đơn vị đứng ra tổ chức và doanh nghiệp, chưa thật sự hướng đến quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng.

Công tác xúc tiến thương mại có làm nhưng biện pháp chưa sát thực, thậm chí cơ quan, đơn vị không có năng lực cũng được giao thực hiện… xúc tiến thương mại, dẫn đến không thành công, gây lãng phí. Để cuộc vận động đạt chất lượng, cần thiết phải đánh giá lại các giải pháp để chọn lựa thực hiện lồng ghép nhiều giải pháp hữu hiệu, mới hy vọng sức lan tỏa của cuộc vận động này sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.     

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.