(Baoquanngai.vn)- Ngoài tự ươm giống để cùng với nhiều gia đình nghèo người Ca Dong ở địa phương trồng trên 10.000 cây lim xẹt; hàng trăm hécta keo, giúp họ tạo mức thu từ 30-70 triệu đồng/hộ/năm; qua việc làm này, ông Nguyễn Hồng Khuyến, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây đã góp phần không nhỏ để tạo nên sự chuyển biến cho người dân về ý thức vươn lên thoát nghèo từ rừng.
Người cán bộ tiếc đất rừng bị bỏ hoang
Theo sự giới thiệu, chúng tôi đến Sơn Tây tìm và gặp được ông Khuyến, nhưng lấy lý do chuyện chẳng có gì to tát, cho nên phải mất khá lâu để thuyết phục và nhờ cả cán bộ đồng nghiệp cũ là ông Nguyễn Quí, Trưởng trạm Khuyến nông huyện đánh tiếng, ông Khuyến mới kể chuyện ươm giống, trồng rừng với hàng chục hộ dân ở Sơn Long của mình.
Ông Khuyến (bên phải) cùng với 1 trong số những người cùng tham gia trồng rừng tại khu vực đất đang trồng lim ở Tà Vây. |
Theo đó sau khi tốt nghiệp đại học Nông Lâm Huế trở về, ông đã lên xin và được nhận vào làm việc ở phòng Nông nghiệp Sơn Tây vào năm 2010, đến năm 2005 được chuyển sang trạm Khuyến nông huyện, sau đó được tăng cường về đảm nhận cương vị Chủ tịch xã Sơn Long vào năm 2009.
Ông Khuyến kể: Trong quá trình đi làm công tác chuyên môn ở nhiều vùng trong huyện, đặc biệt là các bản, làng ở xa trung tâm xã nhìn thấy phần lớn đất nương rẫy của người dân bỏ hoang, hoặc trồng những loại cây tạp, ít hiệu quả kinh tế trong khi đó cuộc sống của họ thì vô cùng khó khăn. Vì vậy vào năm 2003, ông Khuyến đã nảy sinh ra ý tưởng và chọn khu vực thôn Tà Vây, xã Sơn Long để 'hợp tác' với các hộ dân trồng keo.
Ông Khuyến tâm sự: Vào thời điểm trên, thì cây keo và bạch đàn chỉ được trồng ở tại một số vùng núi ở gần các trục giao thông của huyện mà thôi. Còn ở các vùng xa thì chẳng mấy người nghĩ đến. Bởi lẻ lúc đó ngay cả đường vào trung tâm xã Sơn Long chỉ là lối mòn nhỏ nên mùa nắng thì còn chạy xe máy, chứ mùa mưa thì gần như phải lội bộ. Vì vậy khi nghe tôi rủ trồng keo, bạch đàn các hộ dân đều lắc đầu, xua tay từ chối, vì có trồng mai mốt đến kỳ thu hoạch thì làm sao ô tô chạy vào để chở đi bán. Tuy nhiên sau khi nhiều lần nghe ông Khuyến rỉ tai giải thích rằng "một vài năm nữa thì nhà nước sẽ làm đường, hoặc nếu không thì trồng lấy gỗ làm nhà cũng được", nhiều người đã gật đầu.
Giúp dân và giúp bản thân
Theo đó thông qua một người quen làm cán bộ ở huyện, 10 hộ ở Tà Vây đồng ý góp khoảng 100ha; còn ông Khuyến cung cấp cây giống và tiền công phát dọn để trồng keo, bạch đàn với tỉ lệ ăn chia 50/50. Nhờ vậy bắt đầu từ khi đường Trường Sơn Đông được mở đi ngang qua từ năm 2009, từ tiền bán keo, bạch đàn đã giúp cho số hộ tham gia có mức thu từ 30-70 triệu đồng/hộ/năm.
Riêng vào đầu tháng 1 năm nay, với gần 24 ha keo, bạch đàn trồng chung còn giữ lại hiện đã gần 10 năm tuổi đã bán được trên 900 triệu đồng. Ông Đinh Văn Đôn (sinh 1945), bộc bạch: Mình có 5ha đất trồng keo, bạch đàn với cán bộ Khuyến. Nhờ đó mà gia đình mình đã có tiền mua sắm nhiều đồ đạc trong nhà hơn.
Không dừng lại ở cây keo, bạch đàn năm 2012, dù khá bận với vị trí là Chủ tịch UBND xã Sơn Long thế nhưng tranh thủ thời gian rảnh, với chuyên môn trước đó đã học của mình, ông Khuyến đã mua giống lim xẹt về tự ươm để cung cấp cho các hộ trên trồng trên 10.000 cây.
Hiện số lim này đã được 2 năm tuổi và phát triển tốt. Ông Khuyến tâm sự: Ban đầu nhiều gia đình cũng băn khoăn khi biết 30-40 năm nữa mới thu hoạch, thế nhưng khi nghe giải thích số cây này trồng là để cho con, cháu; cho rừng mát hơn thì họ đã hiểu và đồng ý. Với cách làm của ông Khuyến, không chỉ giúp cho hàng chục hộ gia đình Ca Dong biết cách vươn lên từ rừng; mà còn giúp cho họ ý thức trong việc phủ xanh cho rừng.
Minh Phú