Nông thôn mới trên đường về đích

10:01, 05/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trong tỉnh đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nông dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, việc thực hiện Chương trình NTM  của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong năm 2014.

TIN LIÊN QUAN

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong công tác chỉ đạo điều hành Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến xã đã kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định quan trọng để tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình.   

 Năm 2014 là năm UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Đặc biệt là đã ban hành các quy định về cơ chế thực hiện đầu tư công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2020; cơ chế về hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014 - 2015…

Các sở: Nội vụ, Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Tài nguyên - Môi trường… cũng đã có văn bản hướng dẫn đánh giá thực hiện tiêu chí xây dựng NTM thuộc ngành của mình để các xã thực hiện.

Bộ máy quản lý thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ cấp tỉnh đến xã đã sớm được thành lập và kiện toàn. Ban chỉ đạo xây dựng NTM đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM cho cán bộ có liên quan từ tỉnh đến xã.

Các hội, đoàn thể bằng nhiều hình thức đã tổ chức tuyên truyền, phát động, tạo nên phong trào thi đua rộng khắp trong cán bộ, hội viên và nhân dân về chung sức xây dựng NTM. Các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh đã kịp thời tuyên truyền, phản ánh các sự kiện thời sự, các điển hình tiên tiến của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.

Các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án xây dựng NTM cấp xã, làm cơ sở quan trọng cho việc thực hiện có kết quả, đúng mục tiêu Chương trình xây dựng NTM ở địa phương…
 

 

Chợ Hôm Bình Dương - Công trình của những người con xa quê làm ăn thành đạt hỗ trợ. Ảnh: N.K
Chợ Hôm Bình Dương - Công trình của những người con xa quê làm ăn thành đạt hỗ trợ. Ảnh: N.K

Trong điều kiện kinh tế khó khăn  nhưng các cấp đã cố gắng cân đối, bố trí vốn thực hiện Chương trình. Như năm 2014, ngân sách Trung ương và tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tới 285 tỷ đồng, chủ yếu là đã đầu tư vào giao thông, thủy lợi và các tiêu chí về y tế, trường học, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và xây dựng, nâng cấp trụ sở UBND xã. Ngoài ra, các địa phương còn cố gắng huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhân dân và bà con xa quê cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, hạ tầng nông thôn trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

Cùng với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường… bước đầu đã được cán bộ và người dân quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần ở nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh, văn minh. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững...  

Kết quả thực hiện các tiêu chí

Mặc dù qua hơn 3 năm cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nhưng ở tỉnh ta mới chỉ có một xã là Bình Dương (Bình Sơn) lọt vào nhóm 1, được UBND huyện thẩm định là xã đạt 19/19 tiêu chí, đang trình hồ sơ để UBND tỉnh xem xét, công nhận là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh. Trong khi đó, trên phạm vi toàn quốc, đến cuối năm 2014 đã có 785 xã về đích nông thôn mới. Như vậy là việc xây dựng NTM ở Quảng Ngãi tiến triển chậm so với nhiều tỉnh khác.

Sau Bình Dương là xã chạm đích NTM thì đến nay toàn tỉnh chỉ có 4 xã lọt vào nhóm 2 (đạt từ 15 - 18 tiêu chí), 37 xã nhóm 3 (10 - 14 tiêu chí),  37 xã nhóm 4 (5 - 9 tiêu chí) và 64 xã, chủ yếu là các xã ở miền núi còn ở nhóm 5 (từ 0 - 4 tiêu chí).

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, số lượng tiêu chí NTM đạt bình quân của mỗi xã đã tăng lên đáng kể. Hiện nay là 6,6 tiêu chí, tăng thêm 3,07 tiêu chí/xã so với năm 2010. Phần lớn các huyện, thành phố số tiêu chí bình quân/xã cũng đều tăng lên so với cuối năm 2013. Đó là kết quả rất đáng ghi nhận trong tiến trình xây dựng NTM ở tỉnh ta trong thời gian qua.

Khó khăn còn ở phía trước

UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2015 phải có 9 - 10 xã (không kể xã Bình Dương) đạt chuẩn NTM. Mỗi xã này cần phải có từ 5 - 7 tỷ đồng mới thực hiện được mục tiêu đề ra. Nhưng theo dự kiến, năm 2015 Trung ương chỉ hỗ trợ cho Quảng Ngãi 101 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng NTM. Nguồn này phải dàn trải cho 94 xã trong tỉnh nên mỗi xã chỉ được hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách tỉnh dự kiến cũng chỉ hỗ trợ 20 tỷ đồng cho các xã xây dựng NTM, thì nguồn lực không đủ để các xã thực hiện chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Đây là bài toán rất nan giải đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.
 

 

Đường giao thông nông thôn ở xã Đức Tân (Mộ Đức). Ảnh: TL
Đường giao thông nông thôn ở xã Đức Tân (Mộ Đức). Ảnh: TL

Trong khi các nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nên trong triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng NTM, tỉnh cần cân đối bổ sung ngân sách đầu tư trực tiếp cho Chương trình. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục huy động và thu hút nguồn lực, nhất là vốn trong dân, cộng đồng và doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó cần tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn lực của các chương trình, dự án trên địa bàn và chú trọng đầu tư các công trình thiết yếu tại xã, thôn gắn với phát triển sản xuất và đời sống hằng ngày của người dân.

Song song với những nhiệm vụ trên, các địa phương cần tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn  xanh - sạch - đẹp; mở rộng việc đầu tư hệ thống thắp sáng giao thông nông thôn; khơi dậy các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm làm phong phú các hoạt động văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn…

        Nguyễn Khâm  

 

.