(Báo Quảng Ngãi)- Nấm linh chi thường thích nghi với vùng đất ẩm, nhiệt độ thấp. Thế nhưng, trên vùng cát trắng thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức), ông Nguyễn Lá lại trồng nấm linh chi và đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con vùng cát khi con tôm nhiều năm qua bị dịch bệnh liên tiếp...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày cuối năm, trại trồng nấm linh chi chừng 100m2, nằm bên đường xuống biển Đức Minh của ông Nguyễn Lá thêm rộn ràng. Vợ ông hái nấm, các con ông đặt vào thùng gói ghém cẩn thận. Chỉ tay vào chiếc thùng xốp, ông Lá bảo: “Đúng 3 giờ chiều, thùng hàng này sẽ được gửi vào Nam”. Đợt thu hoạch lần này, ông hái vét nhưng vẫn xuất bán được 5kg tươi, với giá 350.000 đồng/kg. “Giá cả như vậy có phần nhẹ hơn các nơi, nhưng nhà chỉ mong bán được nhiều để lấy công làm lời thôi!” - ông Lá giải thích.
Ông Lá tự hào giới thiệu nấm linh chi của mình đã nở trên vùng cát trắng. |
Nhìn trên các giàn treo những bịch nấm đây đó vẫn còn những chiếc nấm linh chi có màu nâu sẫm trông giống như những chiếc bánh sôcôla, ông Lá cho hay: “Thu hoạch đợt đầu được khoảng 14 triệu đồng, trừ chi phí cũng kiếm được một ít. Nấm ra lần hai là kiếm lợi hoàn toàn”.
Nấm linh chi được giới trồng nấm ví là “nữ hoàng của các loài nấm”. Loại nấm này thường “đỏng đảnh”, quen trồng và phát triển ở vùng đất ẩm, lạnh. Thế nên để trồng nấm trên vùng cắt trắng, ông Lá phải bỏ nhiều công sức. Bởi vùng đất cát trắng thiếu độ ẩm, lại thừa hơi mặn này khó cho nấm phát triển.
Sau khi xây dựng trại, ông Lá bỏ ra gần 10 triệu đồng đến Trung tâm thí nghiệm giống của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh mua 1.500 bịch nấm đã cấy phôi giống nấm linh chi về chăm sóc. Kể từ đó, ông Lá luôn túc trực bên trại nấm. Lúc thì bơm phun sương giữ độ ẩm cho phôi nấm phát triển, lúc lại xử lý bệnh xanh rễ... Cứ chăm chỉ như con ong, hơn 1 tháng sau, trong từng bịch nấm đã cấy phôi những chiếc nấm linh chi đầu tiên đã lên mầm. Rồi vài ngày sau, các phôi nấm còn lại nở trắng chi chít nấm non. “Mừng quá, tôi đã gọi điện thoại vào TP.HCM thông báo, bạn bè đã chúc mừng và đặt mua người vài ký. Gia đình thấy hy vọng đã có đầu ra nên cố công chăm sóc” - ông Lá chia sẻ.
Làm nấm từ kinh nghiệm… nuôi tôm
Khởi nghiệp là nghề nông, sau đó ông Lá đến với nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2004, khi phong trào nuôi tôm ở Đức Minh mới bắt đầu, ông Lá khai hoang vùng cát trắng ven biển Minh Tân Nam rộng 8.000m2 để làm hồ nuôi tôm. Qua 10 năm làm ăn, có thời điểm ông trở thành tỷ phú của làng. Nhưng rồi, vùng nuôi tôm ô nhiễm, con tôm bị chết, ông rơi vào cảnh thua lỗ. Nhưng cũng từ chuyện nuôi tôm đã giúp ông Lá hiểu rõ hơn về hướng gió, về vùng đất cát của vùng biển lúc ẩm, lúc khô.
Từ năm 2010 – 2013, biết con tôm khó trụ vững được trên vùng cát ven biển ô nhiễm, ông Lá tìm hướng làm ăn mới. Lọc qua hàng loạt mô hình, ông đã chọn mô hình trồng nấm linh chi. Một điều khá thú vị là ông Lá đã vận dụng kiến thức về độ ẩm về hướng gió của biển mặn từ nuôi tôm để trồng nấm linh chi. Theo ông Lá, cũng nhờ nuôi tôm nên ông biết rất rõ mùa nào có gió chướng, mùa nào gió từ biển thổi vào mang theo hơi nước mặn nhiều hơn. Khi trồng nấm linh chi, ngoài giữ độ ẩm trong trại, xử lý các bệnh nấm, sâu, thì điều quan trọng là tránh được gió biển mang theo độ mặn cao thì nấm linh chi sẽ nở rộ.
Quả thật nhìn trại nấm của ông Lá bên ngoài trông đơn giản, nhưng bước vào bên trong thấy kín bưng. Phía đông được che chắn bằng lá dừa nước dày hơn các hướng khác nên đã hạn chế sự bất lợi, tạo điều kiện cho nấm phát triển tốt. Ông Lá dự tính, trong đợt thu hoạch nấm đợt hai sắp đến ông sẽ tiếp tục nghề làm nấm linh chi với quy mô lớn hơn.
Việc trồng nấm linh chi thành công trên vùng cát trắng ven biển của nông dân Nguyễn Lá không chỉ đem lại nguồn thu nhập mà còn mở hướng làm ăn người cho dân vùng cát trắng ven biển Mộ Đức. Bởi trước ông Lá, đã có nhiều lần nông dân bàn cách làm ăn chú ý đến nấm linh chi, nhưng ai cũng lo ngại vì sợ vùng cát ven biển gió mang hơi nước mặn nên nấm không phát triển.
Bài, ảnh: MAI HẠ