(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu năm mới 2015, Lý Sơn đã đón cả ngàn du khách ra tham quan. Còn ngư dân phấn khởi khi giá dầu giảm mạnh; một số dự án lớn sắp triển khai... hứa hẹn một năm mới đầy triển vọng về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Phạm Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, phấn khởi cho biết, chúng tôi cũng rất bất ngờ và vui mừng được đón một lượng lớn du khách ra Lý Sơn “xông đất” đầu năm. Đây là tín hiệu vui cho địa phương. Chị Phạm Thị Tiến, một người bán các sản phẩm phục vụ du lịch cho biết, trong mấy ngày nghỉ Tết dương lịch, nhiều người ra đảo ngầy ngật do say sóng, nhưng khi đặt chân lên đảo họ đều có chung tâm trạng phấn khởi, đi đến nhiều nơi để tham quan. Trong đó có nhiều người từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là, có nhiều cặp vợ chồng mới cưới cũng chọn đảo Lý Sơn để nghỉ tuần trăng mật. Vì thế chúng tôi bán được nhiều hàng làm quà lưu niệm cho du khách trong ngày đầu năm, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân trên đảo.
Du khách đi tham quan đảo Lý Sơn trong những ngày đầu năm mới. |
Một niềm vui khác mà người dân trên đảo rất phấn khởi đó là, giá xăng dầu giảm mạnh. Nhiều ngư dân Lý Sơn cho biết, từ tháng 7.2014, giá dầu bắt đầu giảm, nên mỗi phiên biển dài ngày chi phí cũng giảm xuống. Ngư dân Phạm Văn Tuấn cho biết, bình quân mỗi phiên biển chúng tôi phải mua khoảng 10.000 lít dầu, với giá dầu 17.000 đồng/lít như hiện tại, tương ứng với số tiền 170 triệu, tiết kiệm được khoảng 60 triệu đồng mỗi phiên biển so với giá dầu năm ngoái là 23.000 đồng/lít. Như vậy, một năm với khoảng 8 chuyến biển dài ngày sẽ tiết kiệm được gần 500 triệu đồng. “Số tiền này sẽ dành cho đầu tư ngư lưới cụ và sửa chữa tàu”, ông Tuấn chia sẻ.
Năm 2015 cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Lý Sơn khi cảng Bến Đình bắt đầu được triển khai đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí 100 tỷ đồng đã được phê duyệt. Hiện tại, ở huyện đảo đã có một cảng cá và một vũng neo trú tàu thuyền. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển với hậu cần nghề cá, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn và đón khách du lịch thì các cảng biển hiện tại chưa đáp ứng được. Do vậy, với cảng nước sâu Bến Đình được đầu tư sẽ giải quyết được những khó khăn bấy lâu nay. Khi đó, địa phương sẽ đón được tàu trọng tải lớn cập đảo, tạo điều kiện để phát triển đồng thời các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương là kinh tế biển, du lịch, kể cả vận chuyển hàng nông sản.
Ngư dân huyện đảo phấn khởi ra khơi khi giá dầu giảm mạnh. |
Để ngành du lịch phát triển hiệu quả thì việc đáp ứng các nhu cầu về nơi nghỉ ngơi, đi lại, bán các sản phẩm du lịch, môi trường cần phải được quan tâm đầu tư.
Trong những ngày đầu năm này, có 2 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn đã đưa vào sử dụng với 32 phòng cho thuê, góp phần đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày của du khách khi tham quan trên đảo. Ông Phạm Hoàng Linh cho biết thêm, mới đây, huyện đã đưa một số người dân ra Hội An để học tập cách làm du lịch cộng đồng (homestay) để người dân phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Nhiều người dân cũng bắt đầu thích ứng với mô hình này và họ đã đầu tư và biết cách làm du lịch. Về môi trường thì sắp đến Nhà máy xử lý rác thải trên đảo đi vào hoạt động sẽ hạn chế đáng kể vấn đề ô nhiễm. Huyện cũng phối hợp mở các lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch cho nhân viên các nhà nghỉ, khách sạn trên đảo. Cũng theo ông Linh, người dân địa phương cũng đề nghị với ngành điện đầu tư kéo điện ra các cánh đồng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Khi đó, việc bơm nước tưới sẽ được tự động hóa bằng hệ thống péc phun, giảm đáng kể chi phí nhân công, nâng cao năng suất các loại cây trồng.
Nguồn điện quốc gia đã đến với người dân Lý Sơn như một làn gió mát, đưa Lý Sơn bước nhanh hơn trên chặng đường phát triển mới trong những năm đến.
Bài, ảnh X.THIÊN