(Baoquangngai.vn)- Mặc dù chưa đến lịch, nhưng trên các cánh đồng ở các huyện miền núi, bà con đã xuống giống. Một số khác lúa đã lên xanh mơn mởn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trâu ra đồng, phân xuống ruộng
Những đợt gió đông bắc tràn về mang theo cái lạnh tê tái, nhưng từ sáng sớm, dọc trên các tuyến đường về miền núi, bà con lùa trâu, bò, ra đồng; phân chuồng chất đầy đồng. Kẻ cày, người cuốc, người bưng giống, kẻ bón phân. Trẻ con thì hồn nhiên tát nước bắt cá khiến ai là người từng sống ở quê có cảm giác vui lây.
Mới chưa đầy 9 giờ sáng mà lão nông Phạm Văn Lâm ở thôn Vã Lách, xã Ba Lế (Ba Tơ) đã bừa gần hết thửa ruộng hơn 2 sào của gia đình. Chân bê bết bùn, ngồi lên bờ ruộng, ông Lâm khoe: Mùa vừa rồi lúa cũng tốt nên ông được tới hơn 15 bao. Tranh thủ đang có mưa, đất ướt cày bừa xuống giống, nếu chờ thêm vài hôm nữa sợ hết mưa nước cạn lỡ vụ mất.
Bà con nông dân miền núi đang khẩn trương xuống giống vụ mùa. |
Ruộng đồng ở miền núi chỗ cao chỗ thấp, lại manh mún nên cơ giới hóa vào đồng ruộng rất khó. Ruộng diện tích nhỏ thì bà con cuốc, còn lớn hơn thì có con trâu. Ở đây con trâu là tài sản quý nhất. Nó vừa giúp cày bừa, vừa cho phân bón ruộng mà bán cũng được kha khá tiền. Nhà ai nuôi trâu và biết tận dụng nguồn phân chuồng là phân dùng không hết.
Chỉ tay về phía con trâu, lão Lâm nói thêm: Trên này phân hóa học hiếm lắm trước đây mình chưa biết sử dụng phân chuồng để rải ruộng nên ruộng khô cằn. Một sào giỏi lắm cắt được vài ba bao là mừng lắm rồi. Từ ngày cán bộ khuyến nông xuống tận nhà chỉ cho cách ủ phân nên mình biết cách làm rồi, rải cho ruộng tốt lắm!
Cũng như gia đình ông Lâm, sau 3 tháng cho ruộng đồng nghỉ ngơi, nhiều bà con nông dân ở Ba Tơ tập trung xuống đồng. Tranh thủ thời tiết hanh ra sức cày bừa, xuống giống.
Tại huyện miền núi Sơn Hà, hầu hết diện tích không chủ động được nước và một số diện tích lúa hai vụ đã lên xanh. Lý giải về sự khẩn trương này, lão nông Phạm Văn Rin ở thôn Nước Bao, xã Sơn Bao (Sơn Hà) bảo rằng: "Tranh thủ chứ không là hết nước. Ruộng ăn nước nhỉ trên núi xuống nếu đợi đến thời vụ như đồng bằng thì lấy đâu nước mà sạ. Được bao nhiêu mình ăn bấy nhiêu. Với lại tranh thủ sạ cho xong để vào Tây Nguyên hái cà phê kiếm tiền về tiêu Tết”.
Người dân miền núi đã biết sử dụng phân chuồng để bón cho ruộng đồng. |
Bà Đồng Nhật Thẩm- Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà chia sẻ: Vụ đông xuân này kế hoạch toàn huyện xuống giống 5.600 ha, tăng gần 300 ha và phấn đấu năng suất đạt 49,8 tạ/ha, tăng 5,4 tạ/ha so với năm 2014.
Diện tích, năng suất đề ra đều tăng trong khi dự báo khả năng hạn hán vì ít mưa là đều khó tránh khỏi nên diện tích chủ động được nước tưới, địa phương kiên quyết chỉ đạo bà con xuống giống đúng lịch thời vụ, còn ruộng chân cao thì tùy điều kiện mà các địa phương hướng dẫn bà con thời vụ chứ không nhất quán.
Địa phương tự điều tiết
Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm và chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo lịch thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 25.12.2014- 10.1.2015. Dù biết nhiều nơi xuống giống sớm là xé lịch thời vụ chung của tỉnh. Nhưng trong điều kiện thời tiết năm 2014 ít mưa lũ nên các hồ đập, sông suối đều tích nước thấp, khả năng hạn hán cuối vụ đông xuân và vụ hè thu tới rất rõ.
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân phải có ý thức tiết kiệm nước. Ở các chân ruộng cao, miền núi tùy điều kiện cụ thể có thể xuống giống sớm để hạn chế khô hạn cuối vụ hoặc chuyển sang cây trồng cạn ở những nơi không chủ động được nước, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý, bố trí các giống ngắn ngày, chịu hạn và có năng suất cao.
Nhiều diện tích lúa đã lên xanh. |
Trong 17 hồ chứa mà Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý có tới 7 hồ dung tích chứa thực tế thấp. Do đó, các địa phương phải có kế hoạch tích trữ nước, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cả vụ.
Ông Nguyễn Nhung- Giám đốc Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho rằng, trong điều kiện thời tiết dự báo hạn hán gay gắt, để tiết kiệm nguồn nước tưới cho cả vụ đông xuân và hè thu tới, các địa phương cần phải linh hoạt hơn trong việc điều tiết nước tưới. Ngay từ đầu vụ sản xuất tận dụng nước sông, suối để tưới, khi cạn mới dùng nước từ hồ chứa, đập dâng.
Bài, ảnh: Ái Kiều