Xây dựng thương hiệu làng nghề: Chưa mặn mà

09:12, 21/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi nhiều làng nghề truyền thống tại các địa phương khác như Chiếu cói Nga Sơn- Thanh Hóa, nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, gốm Đông Triều- Quảng Ninh… đều đã đăng ký bảo hộ thương hiệu thì hầu hết các sản phẩm từ làng nghề truyền thống của tỉnh ta đều chưa làm được điều này.

TIN LIÊN QUAN

Không đăng ký bảo hộ thương hiệu không chỉ giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống trên thị trường, mà còn khiến người sản xuất rơi vào tình thế không biết kêu ai, khi sản phẩm làm ra bị làm nhái, làm giả…

“Ngọc thô”

Làng nghề chế biến hải sản Thạch Bi là làng nghề truyền thống của xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) với hơn 20 cơ sở sản xuất. Nằm ngay sát cửa biển, lại có nguồn lao động dồi dào… làng nghề chế biến hải sản Thạch Bi có đầy đủ tiềm năng để phát triển và có thể tiến tới xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu nhằm nâng tầm giá trị của sản phẩm. Năm 2014, khối lượng hải sản khô xuất bán ra thị trường ước đạt 100 tấn. Bình quân mỗi năm, làng nghề giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau gần 50 năm hoạt động, sản phẩm hải sản khô của làng nghề Thạch Bi vẫn chỉ bán ra thị trường trong tình trạng không bao bì, không nhãn hiệu.

 Dù có nhiều tiềm năng, nhưng làng nghề chế biến hải sản Thạch Bi vẫn chỉ xuất bán ra thị trường theo dạng “thô”, không bao bì, nhãn mác.
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng làng nghề chế biến hải sản Thạch Bi vẫn chỉ xuất bán ra thị trường theo dạng “thô”, không bao bì, nhãn mác.


Ngay như cơ sở chế biến hải sản khô của bà Lê Thị Mai, một trong những cơ sở lớn của làng nghề. Dù có trong tay cơ sở chế biến rộng cả nghìn mét vuông với nhiều máy móc hiện đại và giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động mỗi ngày vào mùa cao điểm, nhưng mực sấy khô của cơ sở bà Lê Thị Mai vẫn chưa có bao bì, nhãn mác riêng. Điều này không chỉ khiến giá bán ra không tương xứng với giá trị sản phẩm mà còn sản phẩm mực khô của cơ sở dễ dàng bị trộn lẫn với nhiều sản phẩm kém chất lượng. Nhất là khi mực khô giả đang tràn lan ngoài thị trường.

Còn tại huyện Nghĩa Hành, trong khi nhiều làng nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh bị “chết” dần vì không thích ứng được với cơ chế thị trường, thì làng nghề bánh tráng Hành Trung từ 150 hộ tham gia làm bánh năm 2010, đến nay số lượng gia đình tham gia làm nghề đã vượt qua con số 200.  

Tuy nhiên, do sản xuất theo kiểu thủ công, manh mún, sản phẩm làm ra không có bao bì, nhãn mác, nên giá bánh bán ra vẫn còn thấp và chưa ổn định. Thử làm phép so sánh bánh tráng Hành Trung với bánh tráng Trảng Bàng- Tây Ninh, thì rõ ràng, dù cùng sản xuất loại bánh tráng mỏng như nhau, nhưng nhờ chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, mà thị trường tiêu thụ bánh tráng Tây Ninh đã không còn bó hẹp tại một địa phương.
 

Để xác lập quyền đối với thương hiệu, người yêu cầu chỉ cần nộp đơn về Sở Khoa học và Công nghệ. Đơn đăng ký chỉ bao gồm giấy phép kinh doanh, tài liệu, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ. Lệ phí để đăng ký bảo hộ thương hiệu không vượt quá 4 triệu đồng.

Đến bao giờ thì “sáng”

Trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu trên thị trường, thì đăng ký bảo hộ và phát triển thương hiệu là yêu cầu cấp thiết để sản phẩm truyền thống có được chỗ đứng trên thị trường. Bởi việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sẽ giúp sản phẩm làng nghề được nâng cao uy tín, tăng sự tin tưởng trong khách hàng và giúp sản phẩm truyền thống mở rộng thị trường.

Năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 255 để hỗ trợ tổ chức, cá nhân xác lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Theo đó, khi tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm thì sẽ được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Thúy Nga- Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) thì, mặc dù chính sách ưu đãi đã có, thủ tục đăng ký lại đơn giản, ít tốn kém, nhưng do chưa nhận thức được vai trò của bảo hộ thương hiệu, nên hiện hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống đều chưa mặn mà tham gia.

Ngay như những sản phẩm làng nghề đã có “tiếng tăm” như đường phèn, đường phổi TP. Quảng Ngãi, mây tre đan Tịnh Ấn Tây, nước mắm Đức Lợi… đến nay, tiểu thương vẫn chấp nhận bán sản phẩm theo kiểu không nhãn mác. Trong khi đó, “Sản phẩm đường phèn Hoàng Yến đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, vì vậy sản phẩm bán ra trên thị trường có giá nhỉnh hơn hẳn so với đường phèn chưa đăng ký bảo hộ. Sản phẩm có bao bì, tên tuổi, và nhãn mác… được khách hàng tin tưởng, ưu ái hơn cũng là lẽ đương nhiên”, bà Thúy Nga cho biết.


Bài, ảnh: Ý Thu

 


.