Xây dựng nông thôn mới và bài toán xóa đói giảm nghèo (Kỳ 1)

02:12, 03/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Sau gần 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê trong tỉnh đã và đang đổi thay từng ngày, đời sống của một người dân từng bước được nâng lên. Đã có nhiều mô hình hay, mới lạ trong phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, làm gì để xoá đói, giảm nghèo bền vững vẫn còn là bài toán khó.
 
Bài 1: Khi sức dân được huy động
 
Thực tế cho thấy, ở địa phương nào mà người dân đồng tình với chủ trương, chính sách của địa phương thì ở đó sức dân được huy động tối đa trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.
 
Xã Bình Dương, huyện Bình Sơn được xem là một trong những địa phương đi đầu trong việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân và cũng là xã duy nhất của Quảng Ngãi đề nghị đạt 19 tiêu chí Quốc gia nông thôn mới tính đến cuối năm 2014 này.
 
Ông Lê Minh Chính- Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, thì xã Bình Dương đã phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết, kêu gọi sự đóng góp của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ tính tổng vốn đầu tư từ khi có chủ trương triển khai xây dựng nông thôn mới từ 2011 đến 2014, xã Bình Dương đã đầu tư khoảng 58,4 tỷ đồng trong phát triển, trong đó vốn huy động từ địa phương, người dân chiếm tỷ lệ gần 50%. 
 
Việc huy động sức mạnh trong nhân dân rõ nhất chính là việc hằng năm người dân trong xã đã đóng góp trên 300 triệu đồng đắp đập bổi ngăn sông Trà Bồng để lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đóng góp 40% vốn cùng với ngân sách để thực hiện bê tông hoá 12,66km đường giao thông; 12,85km kênh tưới; 6,5km đê ngăn mặn và nhiều công trình khác như: Trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết... Đặc biệt, trong đó có người đóng góp 20 tỷ đồng xây dựng 1 chợ trung tâm, 1 bờ kè chống sạt lở ven sông, 1 cầu vượt sông Trà Bồng kiên cố và 1 công viên mini.
 
Chợ Bình Dương được đầu tư từ tiền của người dân.
Chợ trung tâm xã Bình Dương được đầu tư từ tiền của người dân.
 
Dường như việc huy động sức dân trong phát triển kinh tế-xã hội ở xã Bình Dương đã trở thành  chuyện bình thường, bởi người dân trong xã đã tin tưởng những chủ trương, quyết sách của chính quyền địa phương. Kể cả trong sản xuất nông nghiệp, nhờ những cách làm hay, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được địa phương đưa vào ứng dụng trong sản xuất đã phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. 
 
Chính vì vậy, xã Bình Dương cũng là địa phương ở huyện Bình Sơn đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa, kết hợp triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Sau thời gian triển khai, đến nay mô hình này đã đem lại nhiều kết quả, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất và nhân công, cho thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/ha/năm. Chỉ sau 3 năm thực hiện dồi điền đổi thửa ở 5 đội sản xuất của 6 khu dân cư, đến nay tổng diện tích đã thực hiện ở Bình Dương đạt 360ha, chiếm 100% diện tích sản xuất. Đây cũng là xã có số gia đình đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhiều nhất tỉnh, với 987 hộ.
 
Qua 4 năm triển khai thực hiện (2011-2014), xã Bình Dương là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Cụ thể, đã lập xong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới và quy hoạch sử dụng đất; đường trục xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%, đường trục thôn được cứng hóa đạt tỷ lệ 100% (vượt 30% so với yêu cầu), đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa (trong đó 86% được cứng hóa, tăng hơn 16% so với yêu cầu), đường trục chính nội đồng cũng được cứng hóa trên 77,1%; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, hơn 76% chiều dài kênh mương được kiên cố hóa. Các tiêu chí về điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện và nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người... đều đạt yêu cầu.
 
Ông Đoàn Hà Yên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi không chỉ ở xã Bình Dương mà ở hầu hết các xã trong huyện. Huyện đã huy động được tổng hợp các nguồn lực xã hội, trong đó vai trò người dân được thể hiện rõ, thông qua việc tích cực tham gia phát triển sản xuất, đóng góp sức người, sức của, tự nguyện hiến đất mở đường, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… 
 
Trong gần 4 năm, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện khoảng 431,5 tỷ đồng, trong đó cộng đồng dân cư đóng góp 44,5 tỷ đồng, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp khoảng 63,5 tỷ đồng, nhân dân hiến hơn 10.800m2 đất để làm đường… Tính đến thời điểm hiện nay, huyện có xã Bình Dương đạt được 19/19 tiêu chí. Có 2 xã Bình Trung, Bình Thới đạt 13/19 tiêu chí; 21 xã còn lại đạt dưới 11 tiêu chí.
 
Không chỉ ở xã Bình Dương mà thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã làm tốt công tác huy động sức dân. Như xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh. Trước đây, khi nói đến xã Tịnh Trà thì ai cũng biết đây là một trong những xã nghèo nhất khu Tây của huyện Sơn Tịnh, bởi đất đai khô cằn, sản xuất nông nghiệp manh mún, các ngành nghề khác thì hầu như không có gì. 
 
Thế nhưng nay thì đã khác, bộ mặt nông thôn của xã đã đổi thay, đời sống nhân dân được nâng cao, và cũng là một trong những địa phương đi đầu của huyện Sơn Tịnh. Có được điều này là nhờ địa phương  phát huy được sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
 
Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Trà Phan Duy Khách khoe rằng, từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị của xã quyết liệt vào cuộc. Những cuộc họp dân cũng liên tục diễn ra. Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân đã hiểu rõ được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, từ đó chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Tịnh Trà đã đi vào đời sống người dân, bởi hiệu quả mà nó mang lại. 

Đến nay, xã Tịnh Trà đã vận động nhân dân hiến hơn 16.000 m2 đất, hàng trăm cây gỗ và cây ăn quả các loại, tháo dỡ hàng ngàn mét tường rào để làm đường giao thông.

 
Xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh khá thành công trong mô hình dồn điền đổi thửa.
Xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh khá thành công trong mô hình dồn điền đổi thửa.
 
Trong gần 4 năm qua, xã Tịnh Trà đã huy động được hơn 47 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn trực tiếp từ ngân sách nhà nước hơn 23 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 20 tỷ đồng, vốn vay hơn 1,5 tỷ đồng, vốn huy động nhân dân hơn 1,7 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhân dân xã Tịnh Trà đã tích cực góp công, hiến đất, góp vốn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bê tông hoá 6 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 2,72km, kinh phí 4 tỷ đồng; cấp phối 560m đường xã, mở rộng 2,39km đường thôn, xóm...
 
Một chuyển biến nữa đó, nhờ xây dựng nông thôn mới nên cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi, kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xã Tịnh Trà đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt là xã đang tập trung đẩy mạnh công tác dồn điển đổi thửa. Sau hơn 3 năm dồn điền đổi thửa, xã Tịnh Trà đã thực hiện trên 1.500 thửa ruộng lớn nhỏ, với diện tích gần 40 ha.
 
Nhờ dồn điền đổi thửa, Tịnh Trà có điều kiện để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương, góp phần làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó mô hình HTX Dịch vụ NN&NT Tịnh Trà cũng là mô hình mới hiệu quả đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. 
 
Có thể nói, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả khả quan nhờ những cách làm hay, hiệu quả. Đặc biệt, nhiều địa phương đã huy động được sức mạnh của toàn dân trong việc đóng góp sức người, sức của phát triển hạ tầng, cũng như phát triển các mô hình sản xuất mới. Qua đó, góp phần đưa diện mạo của nông thôn ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 
Bài 2: Dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn- Hướng đi xóa đói giảm nghèo
 

.