(Báo Quảng Ngãi)- Đang trong giai đoạn thu hoạch mì chính vụ, nhưng nhiều nông dân than phiền rằng họ bị thương lái “trừ bì, ép giá”, còn các nhà máy mì trong tỉnh thì lại lo thiếu nguyên liệu sản xuất…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện giá thu mua mì tươi tại Nhà máy mì Tịnh Phong là 1.840 đồng/kg, tại Nhà máy mì Sơn Hải 1.800 đồng/kg đối với mì 30% độ bột và trừ 8% tạp chất. Trong khi đó, do mất mùa nên giá mì tươi tại hai tỉnh Bình Định, Quảng Nam cao hơn Quảng Ngãi từ 60 - 100 đồng/kg, tức 1.900 đồng/kg. Sự chênh lệch giá này khiến hai Nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải bị thiếu nguyên liệu sản xuất vì một số thương lái thu gom mì để bán cho các cơ sở chế biến của hai địa phương trên.
Nông dân than: Giá mì thấp còn bị ép
Nghe tin có bão, rồi áp thấp nhiệt đới gây mưa to nên ông Nguyễn Hùng, ngụ thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) vội vã nhờ người phụ giúp thu hoạch 2 sào mì đã được 10 tháng tuổi. Dù biết trước, thu hoạch bán mì tươi thời điểm này sẽ chịu thiệt thòi, bởi thương lái nắm được điểm yếu của nông dân là “sợ mì thối vì ngập nước” nhưng ông Hùng không ngờ mình lại bị ép đến thế.
Dù thiệt thòi nhưng người trồng mì vẫn phải thu hoạch để tránh bị thối do ngập nước. |
“Thương lái chỉ mua mì của tôi với giá 1.400 đồng/kg thôi. Rồi một mã cân 60kg, họ trừ 5kg với lý do mì ướt, dính bùn đất. Vậy là cứ 1 tấn mì, tôi mất gần 1 tạ”, ông Hùng bức xúc. Cùng tâm trạng trên, ông Huỳnh Lý ngụ xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cũng xót xa khi phải bán hơn 1 tấn củ mì tươi với giá 1.350 đồng/kg – quá thấp so với công sức, chi phí mà những người trồng mì như ông Lý đã bỏ ra. Đã thế cứ 100kg, thương lái cũng tự ý trừ 10kg tạp chất; rồi cứ 1 tấn, họ lại “trừ bì” 30kg. Vậy là khi bán 1 tấn mì tươi, nhiều nông dân bỗng dưng bị mất đến 130kg. “Biết thế nhưng không bán, mì sẽ thối vì mưa hoài, đâu có phơi được”, ông Lý giãi bày.
Trái với sự phàn nàn trên, anh Lê Văn Dũng, thương lái thu mua mì tuyến xã Sơn Thành, Sơn Hạ (Sơn Hà) lại khẳng định: “Mì tôi mua tại ruộng là 1.600 đồng/kg. Nếu trả 1.800 đồng/kg thì dân phải chịu trừ tạp chất 8% và chi phí vận chuyển là 180.000 đồng/xe 10 tấn”. Tuy nhiên, không phải thương lái nào cũng tuân thủ yêu cầu về giá, tỷ lệ trừ tạp chất mà Nhà máy mì Tịnh Phong đã đưa ra như anh Dũng. Thế mới có chuyện dù đơn vị này thông báo giá thu mua mì tươi tại ruộng (không trừ tạp chất) ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ là 1.500 – 1.550 đồng/kg, Bình Sơn 1.600 đồng/kg, Sơn Tịnh 1.550 – 1.700 đồng/kg, Sơn Hà 1.550 – 1.600 đồng/kg… nhưng không ít thương lái vẫn phớt lờ, thản nhiên trừ bì ép giá nông dân.
Nhà máy lo: Đã lỗ lại thiếu nguyên liệu
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Chính - Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy mì Tịnh Phong cho rằng: “Tình trạng thương lái lợi dụng mưa, bão để ép giá nông dân là có thật. Nhưng điều này chỉ xảy ra ở những vùng mì nhỏ lẻ. Còn những khu vực trồng mì tập trung thì thương lái và nông dân hợp tác làm ăn theo kiểu “tôi đầu tư, anh sản xuất” nên hiếm khi có chuyện kì kéo, ép giá”.
Đơn cử như trường hợp thương lái Lê Văn Dũng. Đó là khi bước vào vụ trồng mì, anh Dũng bỏ ra không dưới 100 triệu đồng để nông dân các xã Sơn Hạ, Sơn Thành (Sơn Hà) mượn mua giống, phân bón. Rồi đến kỳ thu hoạch, anh Dũng phải đảm bảo giá thu mua không thấp hơn nhà máy thì bà con mới chịu bán. “Nếu mình ép mua giá thấp, bà con rủ nhau tự thu hoạch, rồi bán cho người khác thì tôi ôm lỗ”, anh Dũng cho hay. Hơn nữa, hiện giờ 40% hộ có diện tích mì trung bình và lớn đã mang sản phẩm của mình đến cân bán trực tiếp tại các nhà máy. Điều này cũng phần nào giúp họ giảm phụ thuộc vào thương lái.
Cũng theo ông Nguyễn Chính thì với giá thu mua mì tươi hiện giờ, nhà máy đã phải bấm bụng chịu lỗ. Lý do, giá tinh bột mì thế giới suy giảm, hiện chỉ ở mức 399 – 400 USD/tấn, tương ứng với 2.150 đồng/kg mì tươi. Đã thế năm nay, tỉnh Bình Định và Quảng Nam mất mùa nên giá mì tươi tại hai địa phương trên cao hơn Quảng Ngãi. Điều này khiến một số thương lái trong và ngoài tỉnh về tận ruộng thu gom mì để bán cho các nhà máy của hai địa phương trên. Hẳn thế mà hiện giờ, lượng mì nguyên liệu cung ứng cho hai Nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải giảm mạnh, công suất hoạt động vì thế chỉ đạt 50%.
Quả thật với sự chi phối của thị trường thì hiện nay, cả nông dân lẫn các nhà máy chế biến mì đều chịu áp lực rất lớn về giá cả và nguyên liệu. Tuy nhiên, điều nông dân mong mỏi là các nhà máy cần có biện pháp chấn chỉnh đội ngũ thu mua của mình để họ không rơi vào cảnh bị “trừ bì, ép giá” như hiện nay.
Bài, ảnh: MỸ HOA