(Báo Quảng Ngãi)- Theo phản ánh của các đơn vị thì việc triển khai thực hiện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Trước đây, lĩnh vực đầu tư công được xây dựng theo kế hoạch hàng năm, còn nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch – đầu tư công trung hạn 5 năm. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 được xem là một bước tiến, nhằm đổi mới căn bản trong công tác lập kế hoạch đầu tư công, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, từng địa phương, đồng thời tạo sự chủ động cho ngành, địa phương trong việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.
Lập kế hoạch đầu tư trung hạn không sát đúng sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương trong cả 5 năm. Trong ảnh: Đường bờ nam sông Trà Khúc. |
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xây dựng tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, lại thực hiện ở tất cả các nguồn vốn, nên gặp phải không ít khó khăn, trong khi khối lượng công việc rất lớn và mới mẻ mà thời gian triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại không nhiều (đến 31.12.2014, tỉnh phải hoàn thành để báo cáo Bộ KH&ĐT). Do đó đến nay, việc lập kế hoạch trung hạn 2016-2020 của tỉnh chỉ đang ở giai đoạn tổng hợp nhu cầu của các đơn vị.
Theo ông Huỳnh Chánh-Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa thì, từ chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã đánh giá thực trạng đầu tư các năm trước, căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 và dựa trên nguồn lực của địa phương để xác định nhu cầu đầu tư công và xây dựng kế hoạch của địa phương mình. Phần của huyện thì huyện lập kế hoạch, còn các công trình đầu tư của tỉnh trên địa bàn thì do tỉnh quản lý. Tư Nghĩa đã tổng hợp đề xuất kế hoạch đầu tư, còn việc xét duyệt, phân bổ vốn như thế nào thì còn phải chờ.
Qua tổng hợp của Sở KH&ĐT thì hiện có không ít vướng mắc. Bà Trần Thị Mỹ Ái-Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, đối với danh mục dự án thuộc các Chương trình mục tiêu, theo văn bản hướng dẫn của Bộ KH&ĐT trước đây, do nhu cầu đầu tư quá lớn trong từng ngành, lĩnh vực, các bộ, ngành trung ương đề xuất rất nhiều chương trình hỗ trợ có mục tiêu, dẫn đến việc bố trí vốn cho các dự án bị phân tán, dàn trải. Và để khắc phục tình trạng này, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5.8.2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ tương tự nhau.
Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 hiện chưa có cũng làm cho địa phương khó khăn trong việc lập kế hoạch. Trong ảnh: Thi công đường giao thông trên đảo Lý Sơn. |
Trong từng ngành, lĩnh vực chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt không quá 2 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020”. Thế nhưng đến nay, Trung ương vẫn chưa xác định các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 nên gây lúng túng cho địa phương trong việc tổng hợp danh mục đưa vào kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020.
Trong khi đó, về nguồn vốn ngân sách trung ương trong các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT thì “các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương khởi công mới phải được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn”. Điều này cũng gây khó khăn cho địa phương khi xây dựng kế hoạch trung hạn, bởi trong việc lập kế hoạch trung hạn 2016-2020 lần này thì các dự án dự kiến khởi công mới, sử dụng vốn ngân sách trung ương đã cần thiết có văn bản thỏa thuận vốn của các Bộ, ngành Trung ương hay chưa?
Về dự kiến mức vốn kế hoạch trung hạn, theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT là vốn đầu tư phát triển năm sau tăng hơn so với năm trước khoảng 10%. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu đầu tư của địa phương rất lớn nên việc lập kế hoạch gặp nhiều khó khăn trong cân đối nguồn lực, lựa chọn mục tiêu đầu tư.
Cũng theo phản ánh của các địa phương thì đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, tỉnh chưa có cơ sở để lập và phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 và vốn phân cấp cho các huyện, thành phố. Chính vì thế, các địa phương đề nghị Bộ KH&ĐT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Bà Trần Thị Mỹ Ái-Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết thêm, hiện nay Sở đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT cho ý kiến về những vướng mắc, đồng thời đang khẩn trương tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện kế hoạch năm 2015 theo các thông báo vốn của Bộ KH&ĐT để trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh thông qua. Thời gian hoàn thành kế hoạch trung hạn 2016-2020 theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT là 31.12.2014 nên quá gấp, do vậy địa phương đề nghị cần có thêm thời gian hoàn thiện kế hoạch được tốt hơn.
“Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong giai đoạn 2016-2020. Do đó, chúng tôi đang chờ Bộ tháo gỡ những vướng mắc”, bà Ái nói.
Bài, ảnh: Hoàng Triều