(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác giao đất, giao rừng ở miền núi luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó đã phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thế nhưng hiện vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại cần được quan tâm giải quyết, khắc phục.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến nay, ở các huyện miền núi, phần lớn đất canh tác hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp và rừng sản xuất theo quy hoạch đã được giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhiều diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài; được quản lý, sử dụng đúng quy hoạch sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Riêng đối với các lâm trường sau khi được giao đất, giao rừng đã có những đóng góp tích cực trong việc trồng rừng, khoanh nuôi, khai thác, bảo vệ và phát triển rừng; tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân trong vùng.
Đối với người dân, phần lớn đã biết đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đất rừng hiệu quả. Từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa với sản lượng, giá trị ngày càng cao. Hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời tạo nhiều việc làm và góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình sử dụng đất, trình độ sản xuất và hiệu quả sử dụng đất của người dân từng bước được nâng cao, nhiều hộ gia đình nông dân và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã làm giàu chính đáng từ rừng và đất lâm nghiệp.
Nhìn chung, công tác giao đất, giao rừng ở các huyện miền núi trong thời gian qua đã thực sự phát huy được hiệu quả, đem lại tác dụng lớn, góp phần đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi tỉnh ta.
Bên cạnh mặt tích cực thì công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều tồn tại. Việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ còn chậm và chưa hoàn thành. Trong đó, một số diện tích đất chưa được rà soát để giao hết cho người dân. Nhiều diện tích đất đã giao cho các ban quản lý rừng cơ sở và UBND các xã quản lý, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Kết quả thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2013 đến nay mới chỉ giao và cho thuê được gần 3.200ha, đạt 20,12% kế hoạch.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng. Trong đó, việc để người dân lấn chiếm, xâm chiếm đất đã giao cho các tổ chức và chặt phá rừng tự nhiên lấy gỗ, lấy đất sản xuất diễn ra khá phổ biến, nhưng chính quyền và cơ quan chức năng chưa có những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Số hộ thiếu đất sản xuất phát sinh trong những năm gần đây tăng nhanh (chủ yếu do chia tách hộ) nhưng các địa phương chưa kịp thời nắm chắc số lượng, danh sách và nguyên nhân cụ thể để đề xuất các giải pháp hỗ trợ đất sản xuất, giải quyết việc làm theo hướng ổn định, lâu dài cho người dân. Trong khi việc thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Trà Bồng (trong các năm 2011-2013) với diện tích khá lớn (hơn 3.078ha). Nguyên nhân là do hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả còn thấp hoặc không hiệu quả và không đủ năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả phần lớn đất đai, vốn rừng được giao nhưng đến nay vẫn chưa giao được cho các hộ nghèo, thiếu đất. Điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại đất đai trên địa bàn các huyện miền núi có xu hướng gia tăng.
Trong khi đó, vai trò tham mưu, quản lý nhà nước của Sở TN&MT và Sở NN&PTNT trong công tác giao đất, giao rừng chưa thật sự tốt. Còn các huyện miền núi như Ba Tơ, Trà Bồng chưa thường xuyên chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ rừng và cấp giấy CNQSDĐ. Về phía người dân, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, kiến thức kinh tế và kỹ thuật sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng đất của nhiều người dân chưa cao…
Tình hình trên đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và bảo vệ phát triển rừng ở miền núi thật sự hiệu quả. Các cấp, ngành nâng cao trách nhiệm, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp về quản lý đất đai và bảo vệ phát triển rừng. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra, thanh tra về quản lý sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với rừng tự nhiên sản xuất là rừng nghèo và nghèo kiệt không thể phục hồi, cần sớm xem xét để có định hướng điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm