Vụ mới lắm khó khăn

10:11, 27/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Còn gần một tháng nữa, vụ sản xuất đông xuân 2014 – 2015 chính thức bắt đầu. Hiện ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh đang lo lắng trước những khó khăn được dự báo sẽ gặp phải trong vụ mới năm nay…

TIN LIÊN QUAN

Theo kế hoạch, lịch gieo sạ lúa đại trà vụ đông xuân 2014 – 2015 bắt đầu từ ngày 25.12.2014 đến ngày 10.1.2015. Đối với chân ruộng trũng, chưa rút nước kịp thời thì gieo mạ để cấy và phải chấm dứt gieo cấy trước ngày 15.1.2015. Cơ cấu giống lúa tập trung ở các loại trung, ngắn ngày. Cụ thể, giống chủ lực gồm: ĐV 108, KD đột biến, Hoa ưu 109, ĐH 99-81, ĐH 815-6, SH 2 (XT27), VTNA 2, lúa lai Syn 6, TH 3-3…; giống bổ sung gồm: AS 996, KD 28, VN 121, XT 28, lúa lai 807…; giống triển vọng gồm: Hoa khôi 4, OM 8017, Thiên ưu 8, lúa lai Xuyên Hương 178…

 Sợ thiếu hụt nước tưới

Dù trận lụt lịch sử hồi tháng 11.2013 đã đi qua hơn một năm, nhưng những hậu quả mà nó gây ra cho ngành nông nghiệp thì dường như vẫn còn hiện diện. Đó là hàng loạt công trình thủy lợi, kênh mương, hồ chứa… bị hư hỏng nặng nề nhưng đến giờ  vẫn chưa được tu sửa, nâng cấp. Đơn cử như tại huyện Tư Nghĩa, tuy có hàng nghìn hecta đất sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nước ao, hồ, sông, suối… nhưng hiện tại, nhiều công trình đảm nhận cho việc tưới tiêu trên lại đang trong tình trạng “không xói cũng lở” như: Sông cầu Phủ (Nghĩa Trung), sông Bờ Lở (Nghĩa Thương), bờ nam sông cây Bứa (Nghĩa Phương) hay hạ lưu đập Hóc Xoài… Thế nên Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh mới lo lắng rằng: “Nếu các công trình trên không sớm được khắc phục, sửa chữa thì số diện tích thiếu hụt nước tưới có khả năng tăng ngay trong vụ đông xuân”.

Rất ít công trình thủy lợi bị hư hỏng được sửa chữa kịp thời như thế này. Vụ đông xuân 2013 – 2014, nhiều nông dân điêu đứng vì giống có tỷ lệ nảy mầm thấp.                                          Ảnh: MỸ HOA
Vụ đông xuân 2013 – 2014, nhiều nông dân điêu đứng vì giống có tỷ lệ nảy mầm thấp. Ảnh: MỸ HOA


Đã thế, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn, đến thời điểm này, mực nước tại hồ thủy điện Đăkđrinh thấp hơn gần 8m so với hồi đầu tháng 9.2014. Điều này có nghĩa, khả năng “xả nước cứu hạn” cho sản xuất nông nghiệp của hồ thủy điện Đăkđrinh dường như là không thể. Lý do, nước tích tại hồ thủy điện Đăkđrinh chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, hiện giờ khu vực này đang ở giai đoạn cuối mùa mưa, lượng nước đổ về hồ vì thế cũng đã giảm.

Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn đề nghị ngoài việc khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm, cũng như tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa chân cao…. các địa phương cần khẩn trương xây dựng phương án phòng chống hạn ngay từ đầu tháng 12.2014 để Sở NN&PTNT có cơ sở trình Bộ NN&PTNT sớm xem xét, hỗ trợ kinh phí nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh chính hay mua dầu, nhiên liệu…thực hiện việc bơm tát nước.
    
Lo giống, phân bón, vật tư nông nghiệp là hàng “dỏm”

Cùng với nỗi lo thiếu hụt nước tưới, nông dân trong tỉnh còn sợ gặp giống, phân bón hay vật tư nông nghiệp (VTNN) kém chất lượng. Lo lắng này của nông dân không phải không có cơ sở khi mà vụ đông xuân 2013 – 2014, nhiều hộ ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành… đã một phen điêu đứng vì mua phải giống lúa có tỷ lệ nảy mầm thấp. Nhắc lại chuyện này, bà Trần Thị Lộc ngụ tổ 1, thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (Bình Sơn) không giấu được lo lắng khi mà “với giá 14.000 – 15.000 đồng/kg nên muốn sạ một sào lúa, tôi đã phải mất 70 – 90 nghìn đồng mua giống chứ ít đâu. Thế nên nếu mua trúng giống lép nhiều, nảy mầm ít như năm ngoái thì chúng tôi chỉ có nước… bỏ ruộng!”.

Rất ít công trình thủy lợi bị hư hỏng được sửa chữa kịp thời như thế này.
Rất ít công trình thủy lợi bị hư hỏng được sửa chữa kịp thời như thế này.


Còn với phân bón, VTNN thì lâu nay, dường như nông dân cứ phải phó mặc và đặt niềm tin vào chủ các cửa hàng, đại lý buôn bán mặt hàng này. Lý do muôn thuở vẫn là nông dân chưa có điều kiện tiếp cận các điểm mua bán uy tín, cũng như không thể nắm bắt đầy đủ thông tin xuất xứ, tác dụng… của từng loại phân, thuốc.

Nói như lão nông Đoàn Dụng, ngụ xã Đức Nhuận (Mộ Đức) thì: “Nông dân mua thuốc, bón phân theo kinh nghiệm của mình và tin vào chủ đại lý! Còn kiểm tra, xử lý hàng dỏm là việc của ngành chức năng”. Về điều này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cũng thẳng thắn chia sẻ: “Đầu vụ, Đoàn thanh tra liên ngành của Sở tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra nhưng năm nào cũng xuất hiện tình trạng giống, VTNN  kém chất lượng. Lý do, việc thanh kiểm tra thiếu tính chuyên nghiệp, lực lượng mỏng…”. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Tô cho rằng “cần phải tăng cường thanh tra đột xuất và “siết” chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất”.

Với những nỗi lo trên, nông dân rất mong ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị liên quan sớm có hướng giải quyết, khắc phục để họ yên tâm và thuận lợi bước vào vụ sản xuất mới.              

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.