"Sống khỏe" với chổi dừa

04:11, 29/11/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tuy không phải là nghề truyền thống ở Quảng Ngãi nhưng nghề bó chổi dừa đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông nhàn ở thôn Phú Châu, xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành).
"Góp gió thành bão"
 
Vừa đi chợ về, bà Bùi Thị Nhi (60 tuổi) cùng chồng là ông Võ Thành (63 tuổi) bắt tay ngay vào công việc để hoàn thành số chổi đặt mua của bạn hàng. Cả tháng nay, vợ chồng bà phải tận dụng triệt để thời gian rảnh, đảm bảo số lượng giao cho khách.
 
Ở cái tuổi như vợ chồng bà, nghề bó chổi dừa xem ra thích hợp. Bởi, công việc này không nặng nhọc mà chỉ đòi hỏi tính bền bĩ. Để cho sản phẩm đẹp về mẫu mã, vợ chồng bà phải tỉ mĩ từng đầu dây, mối quấn. 
 
Nghề bó chổi dừa
Tuy là nghề nhỏ lẻ nhưng nguồn thu nhập từ chổi dừa đã giúp cho nhiều hộ dân thoát được nghèo.
 
 
Xắn tay áo, dùng máy quấn và quấn chặt từng bó sống dừa, bà Nhi kể về cơ duyên hơn chục năm với nghề. Hơn chục năm trước, gia đình chỉ có vài sào ruộng, cuộc sống khó khăn trăm bề, con thì đông, làm bao nhiêu cũng không đủ ăn. Vợ chồng bà bèn đi “học lỏm” nghề bó chổi dừa “kiếm thêm vài đồng mua cá, mắm cho các con”. Không ngờ, nghề “chọn” vợ chồng bà đến tận hôm nay.
 
Ban đầu học, do chưa quen nên mỗi ngày bà chỉ bó được khoảng chục cây trở lại. Ấy vậy mà bây giờ, một mình bà bó được từ 120 đến 150 cây. Với một chổi dừa làm ra, bà lời được một nghìn đồng. “Góp gió thành bão”, trung bình mỗi tháng, bà kiếm thêm hơn bốn triệu đồng.
 
Từ chỗ thiếu cái ăn, cái mặc, giờ gia đình bà đã có nhà cửa khang trang, có xe tải chở hàng đi tiêu thụ. Bốn trong sáu người con đều “nối nghiệp” cha mẹ.
 
Kể về việc ăn nên làm ra từ chổi ở Hành Đức, ai cũng phải khâm phục cho sự chịu khó, năng động của vợ chồng ông Phạm Loan (59 tuổi). Bởi lẽ, từ một hộ nghèo, ông đã vươn lên thoát nghèo trở thành một hộ có kinh tế khá giả trong vùng. Ông ví von: “Đây là cái nghề ngồi nhà xem tivi cũng có tiền mà. Nhà tui từ đứa con nít cũng phụ được gia đình công việc này…”
 
Theo nhiều người lớn tuổi trong vùng, nghề làm chổi dừa ở Hành Đức xuất xứ từ Tam Quan (tỉnh Bình Định) và được một người phụ nữ học hỏi rồi đem về truyền đạt lại cho bà con trong thôn. Hiện tại, thôn Phú Châu, xã Hành Đức gần 60 hộ gia đình làm nghề. Tuy là nghề phụ, nhỏ lẻ nhưng nguồn thu nhập từ chổi dừa đã giúp cho nhiều hộ nông dân thoát được nghèo.
 
Không thiếu đầu ra
 
Tại xưởng chị Võ Thị Cẩm Linh (36 tuổi), không khí làm việc luôn hối hả và nhịp nhàng. Phân loại sống dừa, bó, quấn dây, tỉa đầu cây chổi, chất lên xe chở đi tiêu thụ… tùy công đoạn mà người già, người trẻ vẫn có thể đảm nhiệm một khâu trong quá trình sản xuất. 
 
Chổi dừa không thiếu đầu ra
Chổi dừa Phú Châu được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh miền Trung.
 
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng như chất lượng nguyên liệu, chị Linh phải vào tận Tam Quan (Bình Định) chọn từng cọng dừa. Sản phẩm làm ra chủ yếu cung cấp cho thị trường miền Trung, nhiều nhất ở Đà Nẵng, Quảng Nam, với giá bán sỉ mỗi cây từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng.
 
Nguồn thu nhập có được từ nghề bó chổi dừa không chỉ giúp cho gia đình chị Linh tạo dựng cơ ngơi riêng mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng.
 
“Nghề chổi dừa ở Phú Châu đã tạo được uy tín với nhiều khách hàng ở khắp các tỉnh miền Trung. Chỉ mong đừng đứt vốn thôi chứ làm bao nhiêu cũng tiêu thụ hết”, chị Linh nhận định về vấn đề đầu ra của sản phẩm.
 
Theo ông Nguyễn Kim Tiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã, sản phẩm này rất thân thiện với môi trường, sử dụng được lao động tại chỗ nên đã giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển với qui mô lớn. So với các nghề truyền thống khác tại địa phương, nghề này phát triển khá bền vững.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.