Nhiều công trình "khát" vốn

05:11, 22/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Hà vừa đề xuất với tỉnh đưa vào thực hiện 3 công trình khẩn cấp gồm: Di dời 20 hộ dân vùng sạt lở núi thôn Làng Bồ (thị trấn Di Lăng); cầu qua sông Tang (Sơn Bao); đường Sơn Thượng đi Sơn Tinh. Những công trình này có số vốn khá lớn nhưng cấp thiết triển khai thực hiện.

Từ nay đến lúc chờ cho công trình chính thức triển khai, hàng ngàn người dân vẫn phải đánh đu số phận với hiểm nguy vì không cầu, thiếu đường và sạt lở. Vì thế, tiến độ thực hiện các công trình này càng khẩn cấp hơn bao giờ hết…

Đường về làng duy nhất chỉ có đò ngang…

Dòng sông Tang hiền hòa hôm nào bỗng cuồn cuộn chảy sau những cơn mưa lớn. Ngoài mưa lớn dồn về, nhánh sông Tang còn phải gánh thêm lượng nước xả của thủy điện Nước Trong chạy phát điện. Chỉ một khúc sông rộng chừng vài chục mét mà muốn qua bằng đò ngang phải mất khoảng 20 phút. Đường về Nước Bao những ngày này vắng tiếng xe máy, chỉ có những đoàn người đi bộ. Anh Đinh Văn Vót, người dân thôn Nước Bao trên đường đi thăm rẫy mì sắp đến kỳ thu hoạch, than thở: “Làng chẳng có đường vào. Mình lo không bán được mì. Mì để đứng đồng dễ chết rũ, thối củ như vụ mì năm ngoái...”.

Nhà ở của người dân Làng Bồ, thị trấn Di Lăng bị núi nứt, sạt lở, vùi lấp một phần diện tích.
Nhà ở của người dân Làng Bồ, thị trấn Di Lăng bị núi nứt, sạt lở, vùi lấp một phần diện tích.


Đám trẻ học THCS ngoài trung tâm xã mấy hôm nay lác đác nghỉ học vì không có đò ngang qua sông đến trường. Ông Đinh Văn Phèng – Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, cho biết: “Ở trên có công văn chỉ đạo cấm, đình chỉ đò ngang nên xã phải chấp hành. Ngặt nỗi, bến đò ngang này là con đường duy nhất về Nước Bao. Không có đò dân chẳng biết đi đường nào để sản xuất, buôn bán, trồng trọt. Các cháu học sinh cũng chẳng có cách nào vượt sông đến trường”.

Bên kia nhánh sông Tang này hiện có hơn 300 hộ dân, với khoảng 1.500 nhân khẩu sinh sống. Mùa nước cạn, việc đi lại ít khó khăn. Mùa này, mưa lớn khiến mực nước và tốc độ dòng chảy của nhánh sông Tang gia tăng, nhân dân vùng này nhiều khi bị cô lập. “Xã đang đau đầu về chuyện này. Sông nước mùa mưa nguy hiểm. Cấm hoạt động đò ngang là cần thiết, nhưng cấm đi đò thì dân đi bằng đường nào?”, ông Đinh Văn Phèng bức xúc.

Huyện ủy Sơn Hà đã chỉ đạo UBND huyện nghiên cứu tình hình, cung cấp phương tiện đảm bảo an toàn hoạt động đò ngang trên sông Tang. “Cấm hay đình chỉ là đúng quy định Nhà nước. Song lại rất sai so với quy luật sinh tồn của con người vì cuộc sống luôn phải tiếp diễn”-Công văn số 1090CV/HU ngày 31.10.2014 của Huyện ủy Sơn Hà khẳng định.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, UBND huyện Sơn Hà đã kiến nghị tỉnh cho phép đầu tư xây dựng cầu qua sông Tang theo lệnh khẩn cấp. Hiện tại chưa có câu trả lời chính thức. “Vấn đề là tìm nguồn vốn ở đâu để làm cầu. Cần phải có thời gian tính toán, xác định, bố trí vốn nữa”, ông Nguyễn Cao Phúc - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy Sơn Hà ngày 11.10.  Còn theo ông Đinh Văn Phèng – Chủ tịch UBND xã Sơn Bao: “Cuộc sống, sinh mạng của hơn 1.000 dân bên kia sông Tang đang phải khổ sở vì không có cầu qua lại đã đủ để khẳng định công trình này là diện khẩn cấp, phải bố trí vốn để làm gấp. Ngày nào còn qua lại bằng đò ngang thì những ngày ấy bất an còn đeo bám”.

Sạt lở xô vào tận nhà - dân vẫn cố ở

20 ngôi nhà sát chân núi Làng Vòng thuộc thôn Làng Bồ, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) bị nứt, gây sạt lở rất nghiêm trọng từ cơn lũ lịch sử tháng 11 năm 2013. Sau một năm cơn lũ đi qua, tình trạng sạt lở, nứt núi vẫn gia tăng. Thế nhưng, hiện nay số hộ dân này vẫn sống chung với bất an sạt lở, nứt núi. Bà Đinh Thị Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà giải thích: Huyện rất lo lắng cho sự an toàn của người dân sống dưới chân núi Làng Vòng, đã lập phương án hỗ trợ, có dự trù kinh phí. Chỗ tái định cư được bố trí tại khu dân cư mới đô thị Di Lăng rồi. Tuy nhiên, người dân cho rằng diện tích đất hẹp (chỉ khoảng 100m2/hộ), không có điều kiện sản xuất kinh doanh, không có đất sản xuất nên không muốn dời đi. Băn khoăn này của các hộ dân là chính đáng.

 Khi vừa xảy ra nứt núi, UBND huyện Sơn Hà đã tính đến 2 phương án: Xây dựng khu tái định cư để di dời toàn bộ số hộ dân bị ảnh hưởng đến ở hoặc hỗ trợ tiền theo quy định để người dân tự tái định cư tự do. Thế nhưng 18 hộ dân này không đồng tình. Họ mong muốn chính quyền có phương án múc toàn bộ đất có nguy cơ tiếp tục sạt lở, để xây dựng con đường vòng quanh chân núi làm giãn khoảng cách từ núi đến nhà dân. Phương án này đòi hỏi kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. UBND huyện Sơn Hà đã kiến nghị với tỉnh cho phép đưa dự án di dời 20 hộ dân này theo nguyện vọng của nhân dân và xếp vào diện “công trình khẩn cấp”. Song đến nay vẫn chưa có trả lời chính thức về “xếp loại công trình”, thời gian và phương án thực hiện.

Thực tế chuyện làm cầu, xây dựng khu tái định cư không thể muốn là thực hiện ngay được. Tuy nhiên, quả thực cầu qua sông Tang và khu tái định cư di dời 20 hộ dân dưới chân núi Làng Vòng đang bị nứt, gây sạt lở nghiêm trọng là việc không thể chần chừ. Mỗi ngày qua sông bằng đò ngang hay sống dưới vết nứt núi đe dọa là cả một gánh nặng bất an. Vì lẽ đó, đầu tư khẩn cấp cho hai công trình cầu sông Tang và tái định cư Làng Bồ là đòi hỏi chính đáng, cần được UBND tỉnh xem xét, ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
                            
 


.