Chuyển đổi doanh nghiệp để phát triển

05:11, 01/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nền kinh tế trong nước đang ở thời điểm tiếp cận Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và giai đoạn cuối trong lộ trình hội nhập WTO với tư cách một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Những khó khăn, thách thức ngày càng lớn hơn (bên cạnh cơ hội rộng mở) đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải có tầm nhìn kinh doanh và có sự chuyển đổi linh hoạt, đúng hướng để tồn tại và phát triển.
 

 “Chúng ta hiện đang “đi sau” nhưng chính vì thế không nên “đi theo” mà phải “đi khác” như kinh nghiệm Hàn Quốc đã làm để tránh phụ thuộc và tiến vượt lên. Cùng với đó là đa dạng lựa chọn thị trường, gắn kết lợi ích thông qua tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất kinh doanh với các nhà đầu tư lớn”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Trong cuộc Hội thảo “Chiến lược chuyển đổi của Doanh nghiệp-Thách thức và cơ hội mới 2014-2015”, tiến sĩ Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra những con số khiến không ít người giật mình. Thống kê trong năm 2010, có 40 nghìn doanh nghiệp nội địa đóng cửa, đến năm 2013 là gần 61 nghìn doanh nghiệp và trong 9 tháng năm 2014 đã có trên 48 nghìn doanh nghiệp rời thương trường, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tại Quảng Ngãi, dù chưa có thống kê chính thức song trong những năm qua đã có hàng trăm doanh nghiệp giải thể, hàng trăm doanh nghiệp khác tạm ngừng hoạt động và nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng.
 
Xu hướng toàn cầu hóa đã tác động lớn đến kinh tế trong nước nên khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động dây chuyền khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao.

Chính phủ hiện đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu trên 3 lĩnh vực là đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng không thể đứng ngoài. Hơn ai hết, với các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, yêu cầu đổi mới, chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển là hết sức cần thiết. Ông Huỳnh Kim Lập-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân chia sẻ, trong những năm qua, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước và thế giới, Công ty cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với việc dự lường nhiều kịch bản để chuẩn bị trước, trong đó Công ty tập trung điều chỉnh chiến lược đầu tư, chú trọng đầu tư theo chiều sâu nên đã vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, doanh thu năm 2014 dự kiến đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2012.
 
Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cần đổi mới dây chuyền công nghệ để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cần đổi mới dây chuyền công nghệ để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.



Sự cạnh tranh trong tiến trình hội nhập là rất lớn, nhưng doanh nghiệp Quảng Ngãi cũng có những cơ hội mới, trước hết là tận dụng cơ hội ngay tại địa phương khi mà nhiều dự án đã đầu tư cũng như đang xúc tiến đầu tư vào tỉnh như VSIP Quảng Ngãi, dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất, nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai trên địa bàn tỉnh…

Ông Vi Nhất Trường-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ngãi cho biết, mới đây Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng mời các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế hàng đầu cùng chia sẻ tình hình kinh tế đang và sẽ diễn ra, đặc biệt là đường lối chiến lược của Doanh nghiệp miền Trung, về cơ hội phát triển của Quảng Ngãi. “Bằng cách tiếp cận đúng với thực tiễn, mỗi doanh nhân sẽ hình dung chính xác những bước đi tái cơ cấu và lập chiến lược kinh doanh khả thi hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn lại mình, tái cấu trúc doanh nghiệp, tìm ra những hướng đi mới và tận dụng những nguồn lực mới để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp mình”-ông Trường nhấn mạnh.

Do trình độ khoa học công nghệ, tầm nhìn chiến lược, nguồn nhân lực, mô hình quản trị và khả năng tích lũy vốn còn hạn chế nên khi gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các thành phần kinh tế mạnh hơn, đa phần doanh nghiệp tư nhân thường bị thất thế và để mất thị phần. Bởi thế, việc tự thay đổi, tự vươn lên thông qua quá trình tái cấu trúc là cơ hội để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, giảm tiêu hao vật tư, nguyên, nhiên liệu, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Song trong định hướng chuyển đổi, việc bám sát năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là một trong những nguyên tắc chủ đạo của quá trình tái cấu trúc.

Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, kinh tế thế giới trong năm 2014 và 2015 xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn mong manh. Do vậy, rất cần bản lĩnh lãnh đạo mạnh mẽ trong việc vạch ra lộ trình, với những bước đi ưu tiên. Phải tăng cường năng lực chống đỡ các cú “sốc”, chuẩn bị kịch bản và công cụ phòng chống, xử lý trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp để tồn tại và phát triển.


Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
 

 


.