(Báo Quảng Ngãi)- Dựa trên cơ sở UBND tỉnh vừa xét duyệt 40 ngư dân được vay vốn theo diện Nghị định 67 (gọi tắt là vốn 67) để phát triển ngành thủy sản, các ngân hàng lớn ở Quảng Ngãi hiện đang “chạy nước rút” để hoàn thiện các thủ tục sớm giải ngân vốn cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu để kịp thời hạ thủy vào mùa biển mới 2015.
Tranh thủ cho vay trong mùa đóng tàu
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết: “Khoảng cuối tháng 11, ngân hàng sẽ thẩm định tất cả các hồ sơ vay vốn của ngư dân được tỉnh xét lần cuối. Hồ sơ nào thiếu sót thì trực tiếp hướng dẫn, bổ sung để hoàn thiện, sớm giải ngân cho ngư dân đóng tàu trước phiên biển mới”.
Ngư dân đang cần nguồn vốn vay để đóng mới tàu công suất lớn. |
Trong tổng số 40 tàu được xét duyệt vay vốn 67 trong toàn tỉnh vừa qua, thì BIDV Quảng Ngãi có nhiệm vụ giải ngân vốn cho 10 ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu cá, trong đó có 4 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ hành nghề câu, vây, lưới rê và dịch vụ hậu cần. Tổng dự kiến kinh phí 81 tỷ đồng. Trước khi tỉnh xét duyệt, ngân hàng đã trực tiếp xuống địa phương trao đổi, thẩm định sơ bộ năng lực làm ăn của ngư dân có nhu cầu vay vốn 67, đồng thời mở các lớp tập huấn hướng dẫn hồ sơ thủ tục cho ngư dân.
Qua xét duyệt lần 2, ngân hàng chọn được 10 đối tượng. “10 đối tượng này khi trình lên tỉnh, thì ngân hàng đã nắm chắc về năng lực đánh bắt, thực lực tài chính đối ứng, kinh nghiệm nghề dạn dày... Vì vậy, sau khi bổ sung một số thủ tục như chọn mẫu tàu, hợp đồng đóng tàu... hợp lệ, ngư dân cần vốn thì ngân hàng sẽ giải ngân sớm” – ông Hùng khẳng định.
Đến thời điểm này, Vietinbank Quảng Ngãi cũng đã hoàn tất thủ tục để cho ngư dân vay vốn 67, từ khâu xuống cơ sở rà soát số hộ được xét duyệt vay vốn, hướng dẫn ngư dân làm thủ tục, đến trao đổi, xem xét các cơ sở đóng tàu... “Trong 7 ngư dân được xét duyệt vay vốn tại ngân hàng thì đa số là khách hàng cũ. Trước đây, họ đã từng vay vốn của ngân hàng để phát triển nghề biển. Vì vậy, vấn đề thủ tục vay vốn tại ngân hàng ngư dân đã nắm. Giờ, chỉ cần bổ sung một số chi tiết cần thiết là có thể giải ngân nguồn vốn. Dự kiến đầu năm 2015 nguồn vốn này sẽ được giải ngân.
Trong thời gian chờ đợi, một số ngư dân đã hợp đồng với cơ sở đóng tàu, mua gỗ, thiết bị cần thiết. Khi hồ sơ hoàn chỉnh, ngân hàng sẽ giải ngân vốn cho ngư dân hoàn thiện con tàu để ra khơi trong mùa đánh bắt mới”, bà Phạm Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Vietinbank Quảng Ngãi cho biết.
Các ngân hàng Agribank, Vietcombank cũng đang tập trung nhân lực, nguồn lực để giúp ngư dân hoàn thành thủ tục nhằm tiếp cận vốn sớm nhất. Ông Lê Hồng – Phó Giám đốc phụ trách Agribank Quảng Ngãi, cho rằng: “Thuận lợi của ngân hàng là cho vay nông, ngư dân là chính nên mọi công việc sẽ thuận lợi. Ngân hàng sẽ xây dựng biểu mẫu vay vốn gọn nhẹ, dễ hiểu và hướng dẫn từng ngư dân để bà con an tâm thực hiện...”.
“Gỡ” các nút thắt
Sau khi tỉnh xét duyệt, ngân hàng đã tiến hành gấp rút kiểm tra đối tượng vay vốn. Hiện một số ngư dân đang vướng mắc một số thủ tục như chưa có hợp đồng đóng tàu, hoặc nâng cấp tàu với cơ sở đóng tàu, chưa có hóa đơn chứng từ mua máy mới. Nhiều ngư dân còn đi làm ăn khơi xa, chưa tiếp cận hồ sơ thủ tục, một số ngư dân vẫn còn lúng túng trong nhận định nguồn vốn ưu đãi từ Nghị định 67, có ngư dân không lập được hồ sơ dự toán vay vốn...
Từ thực trạng này, Ngân hàng đã tổ chức các cuộc họp và cử cán bộ chủ động xuống gặp gỡ trao đổi trực tiếp với ngư dân đóng tàu, hướng dẫn, tháo gỡ mọi nút thắt liên quan nhằm sớm giải ngân vốn cho ngư dân.
“Ngân hàng sẽ đồng hành xuyên suốt cùng ngư dân vay vốn đóng tàu, làm ăn, nhằm mục đích ngư dân đánh bắt xa bờ hiệu quả. Bên cạnh triển khai thủ tục, ngân hàng cũng bắt buộc ngư dân phải hoàn thành đầy đủ các quy định về mua bảo hiểm thân tàu, máy mới, phương án sản xuất, đánh bắt đúng ngư trường... nhằm hạn chế rủi ro cho ngư dân”, ông Nguyễn Khê - Phó Phòng tín dụng-Agribank Quảng Ngãi khẳng định.
Bài, ảnh: MAI HẠ