(Báo Quảng Ngãi)- Huyện đảo Lý Sơn vốn giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng. Vì thế, những cơ chế, chính sách mới cho huyện đảo này sẽ tạo động lực mới để Lý Sơn phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, vững chắc về quốc phòng - an ninh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dù luôn phát triển và tăng trưởng trong nhiều năm liền, nhưng kinh tế-xã hội của Lý Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của đất đảo. Hiện nay, cơ chế dành cho Lý Sơn vẫn như trong đất liền. Điều này là “rào cản” làm cho Lý Sơn vẫn chưa thể “bật lên”. Vì thế, dù đã được đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng của huyện đảo còn yếu kém nên chưa có cơ hội để phát triển. Đến năm 2013, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 15,6 triệu đồng/năm, trong khi hộ nghèo còn chiếm trên 23% dân số toàn huyện.
Với một đảo tiền tiêu như Lý Sơn, đặc biệt là trong tình hình Biển đông rất phức tạp như hiện nay, thì Nhà nước phải có một số cơ chế đặc thù để phát triển huyện đảo tiền tiêu này, bởi Lý Sơn không giống một địa phương hay một đảo đơn thuần. Chính vì thế, UBND tỉnh đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị một số cơ chế, chính sách xây dựng đảo tiền tiêu Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh. Trong đó cần có sự ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương thông qua các Bộ, ngành Trung ương hoặc bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện các dự án quan trọng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng trên đảo Lý Sơn.
Thêm vào đó, các dự án đầu tư vào Lý Sơn cần được hưởng các ưu đãi đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà đầu tư được hưởng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong chín năm tiếp theo, đồng thời giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ được ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu để tạo tài sản cố định…
Hướng phát triển kinh tế Lý Sơn được gợi mở xoay quanh hai nội dung. Một là, phát triển kinh tế biển bằng cách tổ chức lại đội tàu sản xuất theo hướng hiện đại hóa, song song với việc phát triển một số dịch vụ hậu cần nghề cá ở huyện đảo. Thứ hai là đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ biển. Với nhiều thắng cảnh đẹp, bề dày lịch sử văn hoá và là “một điểm đến đặc biệt, thiêng liêng”, nếu làm tốt cơ sở hạ tầng, cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn thì kinh tế du lịch sẽ là mũi nhọn của Lý Sơn trong những năm đến.
Đất đảo Lý Sơn còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Minh Thu |
Cơ chế, chính sách cho Lý Sơn phát triển được “thiết kế” trên ba trục chính. Đó là hạ tầng, chính sách tín dụng và đất đai. Theo đó, về hạ tầng cơ bản, những công trình mang tính chất xã hội và mang tính quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải đầu tư 100% vốn. Còn về tín dụng, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về lãi suất vay cho doanh nghiệp muốn đầu tư ra Lý Sơn. Trong khi đó, việc thuê đất ở đảo Lý Sơn thì phải khác so với trong đất liền (chẳng hạn như thời hạn thuê đất lên đến 70 năm…).
Sau khi Lý Sơn được triển khai Dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm thì một số doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư vào huyện đảo. Đáng chú ý Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh hiện đang xin tỉnh cho phép đầu tư một khách sạn tại Lý Sơn, hay Saigon Tourist cũng đã khảo sát đầu tư tại huyện đảo. Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm là chính sách, thủ tục đất đai, cũng như chính sách ưu đãi tín dụng sẽ được áp dụng như thế nào.
Lý Sơn đã có điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Đó là lợi thế rất quan trọng để các nhà đầu tư đến với Lý Sơn. Cộng với những cơ chế chính sách đặc thù được ban hành sẽ góp phần thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đưa Lý Sơn trở thành huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh, phát triển theo đúng định hướng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển đến năm 2020. Và trên hết, tạo cơ chế để Lý Sơn phát triển cũng chính là tạo ra sức mạnh giữ vững chủ quyền Tổ quốc nơi huyện đảo tiền tiêu này.
Hoàng Triều