Mưu sinh mùa nông nhàn

10:10, 23/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi gặt xong lúa vụ hè thu, cũng là lúc người nông dân bắt đầu vào mùa nông nhàn. Trong khi đó, cuộc sống có rất nhiều điều để lo toan, nên không ít gia đình phải sống trong cảnh chồng phải xa vợ, mẹ đành xa con để mưu sinh nơi xứ người, hòng gắng kiếm tiền nuôi con, lo cho gia đình và “lận lưng” vài đồng để sắm sửa đón một cái Tết sum vầy.  

TIN LIÊN QUAN

Điệp khúc rời làng…

Ở tuổi 52, nhưng bà Quỳnh Thị Sáu ở KDC 12, thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã có hơn 24 năm “khăn gói” vào các tỉnh phía Nam mưu sinh sau khi thu dọn lúa vụ hè thu xong. Nhà bà có 4 sào ruộng, không có đất thổ, hai người con, giờ đã trưởng thành, có cuộc sống riêng nên khoảng 3 năm nay, xong mùa vụ là cả hai vợ chồng bà khóa cửa, cùng đi  Lâm Đồng hái cà phê.

 

KDC 16, thôn 4, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đến mùa nông nhàn lại trở nên vắng vẻ vì gần  một nửa số dân trong KDC vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh.                                                   Ảnh: HIỀN THU
KDC 16, thôn 4, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đến mùa nông nhàn lại trở nên vắng vẻ vì gần một nửa số dân trong KDC vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh.


Ông Nguyễn Tấn Anh (chồng bà Sáu) ngậm ngùi: “Chẳng ai muốn bỏ nhà, bỏ làng quê mà đi, để nhà cửa lạnh tanh, buồn lắm! Đặc biệt, đến mùa lũ hai vợ chồng tôi chỉ biết phó mặc nhà cửa cho trời”. Hai vợ chồng bà Sáu đi làm từ giữa tháng 9 cho đến đầu tháng 12 (Âm lịch) thì về. Những ngày qua, hai vợ chồng đang tất bật cất trữ lúa trên gác lở để tránh lụt. Dù nhọc nhằn, vất vả khi đi làm thuê, ở trọ nơi đất khách, nhưng vợ chồng bà Sáu cũng lấy làm phấn khởi khi dành dụm được khoảng 10 triệu đồng sau mỗi mùa nông nhàn.

Bà Lê Thị Mẫn - Trưởng KDC 12, thôn Hòa Vinh cho biết: Toàn thôn Hòa Vinh có 377 hộ, riêng KDC 12 có 201 hộ với 873 nhân khẩu, đang ở độ tuổi lao động là 303 người. Lao động nông nghiệp chiếm 161 người và hơn một nửa số đó là đi làm ăn xa, rời làng sau khi thu hoạch vụ mùa. Đa phần những hộ gia đình có con ở lứa tuổi đi học, cha mẹ thường đi làm xa, gửi con lại cho ông bà. Người ta đi làm đủ nơi, nhưng chủ yếu là vào TP. Hồ Chí Minh, lên ĐắkLắk, Lâm Đồng…

Gia đình anh Ngô Văn Danh, ở thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cũng vậy. Để lo cho tương lai 2 con, sau khi gặt xong lúa hè thu anh liền khăn gói lên đường vào ĐắkLắk để làm thuê cho chủ rẫy. Chị Vương (vợ anh Danh), cho biết: Hai ba năm nay, nhà tôi đều đi làm thêm. Mỗi ngày công họ trả 130.000 đồng, chi phí ăn uống, chỗ ở được chủ rẫy lo. Con đang tuổi ăn tuổi học, hai vợ chồng mà ở nhà hết, trông chờ vào mấy sào lúa thì lấy gì lo cho con. Còn chị Vương ở lại quê lo cho con và đi khiêng gạch thuê để kiếm thêm tiền chạy chợ hằng ngày. “Anh ấy đi gia đình trở nên trống vắng, các con nhớ cha, nhưng rồi vì cuộc sống đành phải chấp nhận”, chị Vương tâm sự.

Còn anh Bùi Đức Nhơn ở thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) thì phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”, vì vợ anh vào Sài Gòn mưu sinh. Kể từ khi hai đứa con nhà anh Nhơn liên tiếp vào đại học, dù có chăn nuôi, trồng hoa màu nhưng với quy mô nhỏ lẻ hai vợ chồng anh không thể nào chu cấp đủ cho các con. Quá chật vật nên vợ anh quyết định vào Sài Gòn làm thuê vào những ngày nông nhàn, để lại nhà cửa, heo gà cho anh Nhơn trông nom. Cứ khoảng cuối tháng 8 (Âm lịch) sau khi xong việc đồng áng, chị vào Sài Gòn tìm việc, chủ yếu là phục vụ rửa chén cho các quán ăn, nhà hàng. Trung bình mỗi tháng chị kiếm được từ 4 - 5 triệu đồng. Cháu Bùi Lê Anh Tiền chỉ mới 10 tuổi (con trai út của anh Nhơn) rụt rè nói: “Mẹ cháu đi gần 1 tháng rồi, đến gần Tết mới về. Cháu ở nhà với ba, mỗi khi nhớ mẹ thì xin ba gọi điện thoại cho mẹ”.

Bài toán chưa có lời giải

“Điệp khúc” rời làng đi làm ăn xa mùa nông nhàn trở nên quá quen thuộc đối với người dân nông thôn. Dù chua xót và lắm trăn trở nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có cách nào giải quyết.

 

Bà Quỳnh Thị Sáu ở KDC 12, thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đang cất trữ lúa trên gác lở tránh lụt để hai vợ chồng yên tâm đi làm ăn xa.
Bà Quỳnh Thị Sáu ở KDC 12, thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đang cất trữ lúa trên gác lở tránh lụt để hai vợ chồng yên tâm đi làm ăn xa.

Ông Võ Quang Thành – Chủ tịch UBND xã Hành Phước (Nghĩa Hành) cho biết: Xã có 3.172 người trong độ tuổi lao động, trong đó số lao động nông nghiệp là 2.112 (chiếm 66,6%). Khi kết thúc vụ hè thu, gần một nửa số lao động nông nghiệp rời làng đi làm ăn xa đến khoảng tháng 12 (âm lịch) mới trở về. Địa phương cũng đã mở lớp đào tạo nghề như may công nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm, mở nhiều mô hình khuyến nông… nhưng người dân cũng không mặn mà tham gia.

Còn ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), số lượng lao động nông nghiệp chiếm 92% tổng số lao động của địa phương. Khi kết thúc mùa vụ, gần 2/3 số lao động nông nghiệp cũng vào các tỉnh phía Nam mưu sinh. Làng quê vắng vẻ, chỉ còn tiếng trẻ thơ nô đùa, chăn trâu, thả bò nơi đồng ruộng… Những hình ảnh đó luôn lặp đi lặp lại khi mùa nông nhàn đến. Chẳng ai muốn xa quê, xa ngôi nhà thân thương nhưng bài toán “cung – cầu” việc làm ở quê chưa giải quyết được, thì người nông dân còn phải tiếp tục long đong,  trên hành trình mưu sinh của mình.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.