Dự án WB3 Quảng Ngãi- Mang lại nhiều lợi ích

02:10, 31/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Triển khai thực hiện tại Quảng Ngãi trong 10 năm qua, Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam (WB3) được UBND tỉnh đánh giá là một trong những Dự án thành công nhất trong việc thực hiện mô hình trồng rừng tiểu điền ở các huyện đồng bằng và miền núi của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Dự án WB3 có 2 trọng tâm chính. Đó là phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam và Quỹ bảo tồn thiên nhiên. Là một trong 4 tỉnh ở miền Trung thực hiện Dự án này, từ năm 2005 Quảng Ngãi đã triển khai tại 3 huyện đồng bằng là Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn và 2 huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng. Đến cuối năm 2013, sau gần 10 năm thực hiện Dự án WB3, Quảng Ngãi có trên 6.500 hộ tham gia trồng rừng (bằng vốn vay lãi suất thấp) với hơn 12.748 ha rừng, chủ yếu là cây keo và bạch đàn URO trồng bằng giống cây lai hom và nuôi cấy mô.

 

Rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ đang chờ được cấp chứng chỉ rừng.     Ảnh: TL
Rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ đang chờ được cấp chứng chỉ rừng. Ảnh: TL


Trong đó, huyện Ba Tơ có 7 xã và thị trấn tham gia trồng hơn 4.500 ha, 4 xã ở Mộ Đức trồng 1.369 ha, Sơn Tịnh có 5 xã trồng 1.614 ha, Bình Sơn có 4 xã trồng 723 ha và Trà Bồng có 6 xã trồng được 723 ha. Theo kế hoạch, trong vụ trồng rừng năm 2014, Dự án sẽ tiếp tục trồng khoảng 1.000 ha, nâng tổng số diện tích trồng rừng của Dự án WB3 lên đến hơn 13.000 ha.

Theo đánh giá của Đoàn công tác hỗ trợ thực hiện Dự án WB3 cuối tháng 9 vừa qua, tổng quan tiến độ Dự án đã được đảm bảo và phù hợp với mục tiêu Dự án. Chương trình trồng rừng đã có cải thiện đáng kể về chất lượng. 72,16 % tổng số tín dụng đã được giải ngân. Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế đã được cấp thí điểm. Lợi ích rõ ràng của rừng được cấp chứng chỉ đạt giá trị cao hơn từ 20-30% rừng trồng lấy gỗ nhỏ. Chu kỳ trồng gỗ lớn đã chứng tỏ thu được lợi nhuận nhiều hơn nên được mở rộng hơn nữa…
 

Dự án WB3 thực hiện hơn 73.000 ha rừng trồng sản xuất

Quảng Ngãi là một trong 4 tỉnh ở miền Trung, cùng với ThừaThiên-Huế, Quảng Nam và Bình Định được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn thực hiện Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (gọi là Dự án WB3). Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2005 (giai đoạn mở rộng Dự án có thêm 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) và kết thúc vào năm 2015. Tổng kế hoạch thực hiện Dự án khoảng 73.300 ha rừng trồng sản xuất, với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD.

Ông Nguyễn Tươi - Phó Giám đốc Dự án WB3 Quảng Ngãi cho biết, nhìn chung Dự án WB3 thực hiện tại Quảng Ngãi đã đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực, góp phần tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng Dự án, tăng thêm  độ che phủ rừng, góp phần ổn định sinh thái. Số diện tích rừng trồng từ năm 2005-2008 đến nay người dân đã khai thác khoảng 4.800 ha. Sau khi thực hiện trả nợ gốc cùng với lãi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và tiếp tục trồng rừng, người tham gia trồng rừng còn dư vốn để tích lũy.

Tại xã Đức Lân (Mộ Đức), có 315ha đã được cấp chứng chỉ rừng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Trong số này, các chủ hộ đã khai thác khoảng 30ha, thu nhập bình quân tăng khoảng 25-30% so với rừng bán không có chứng chỉ. Chính vì thế, người dân đã nâng cao nhận thức và tham gia trồng rừng bền vững, bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn là người dân đã biết áp dụng các biện pháp trồng và chăm sóc rừng, từ đó diện tích rừng ngày càng phát triển, đạt năng suất cao, tăng thêm thu nhập. Đối với các xã có đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động phát triển rừng đã cơ bản giúp đồng bào thay đổi được phong tục tập quán trồng rừng như biết áp dụng kỹ thuật trồng rừng mới vào trồng trọt, cũng như trong sinh hoạt cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM
 


.