(Báo Quảng Ngãi)- Còn hơn hai tháng nữa, niên vụ mía 2014 - 2015 mới bước vào thu hoạch, nhưng hiện giờ, giá đường liên tục “nhảy múa” khiến Nhà máy Đường Phổ Phong – đơn vị thu mua lẫn người trồng mía đều phập phồng lo lắng…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Diện tích mía toàn tỉnh niên vụ 2014 - 2015 đạt trên 4.300ha, năng suất ước 210.000 tấn. Tuy nhiên, do giá đường hiện giờ giảm mạnh, bán sỉ chỉ 12.000 đồng/kg nên sau khi trừ 5% thuế thì theo quy định, Nhà máy trả cho nông dân 60% – tức 684.000 đồng/tấn. Nếu thu mua mía với mức giá này, Nhà máy dễ bị nông dân quay lưng và chuyện thiếu hụt nguyên liệu là khó tránh khỏi. Nhưng nếu tăng giá, thì Nhà máy lâm vào khó khăn.
Nông dân: Điệp khúc trồng mía lỗ!
Dù thủy chung với cây mía hơn chục năm nay, nhưng lúc này ông Trần Mười ngụ thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) vẫn không khỏi đắn đo: Nên hay không tiếp tục trồng và chăm sóc số diện tích mía đang có, khi mà 3 – 4 năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm, từ 1.050.000 đồng/tấn xuống còn 850.000 đồng/tấn.
Nông dân: Điệp khúc trồng mía lỗ!
Dù thủy chung với cây mía hơn chục năm nay, nhưng lúc này ông Trần Mười ngụ thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) vẫn không khỏi đắn đo: Nên hay không tiếp tục trồng và chăm sóc số diện tích mía đang có, khi mà 3 – 4 năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm, từ 1.050.000 đồng/tấn xuống còn 850.000 đồng/tấn.
Giá đường giảm, khiến giá mía nguyên liệu thấp, người trồng mía vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. |
Trong khi đó, chi phí sản xuất và giá thuê nhân công cứ tăng vùn vụt, khiến ông Mười cũng như nhiều người trồng mía trong tỉnh ngày càng nản lòng. Chẳng thế mà nhiều hộ trong nhóm ông Mười đã bỏ mía, dành đất cho bắp, đậu phụng… Riêng ông Mười, vì còn nặng tình với mía – đối tượng từng giúp mình thoát nghèo, rồi có của ăn của để nên đến giờ vẫn chưa nỡ từ bỏ!
Còn tại Hợp tác xã (HTX) chuyên canh mía Phổ Nhơn (Đức Phổ), xã viên và nông dân dường như cũng không còn hào hứng, mặn mà với cây mía như xưa. Bằng chứng là niên vụ này nông dân đã giảm đến 34/306ha mía (chủ yếu là số diện tích tập trung) để… trồng lúa! Xảy ra tình trạng này, theo Giám đốc HTX Nguyễn Văn Một là: “Một phần do giá mía và chữ đường giảm khiến nông dân thua lỗ; phần vì lúa vụ đông xuân 2013 - 2014 quá được mùa nên sau khi thu hoạch niên vụ 2013 - 2014, bà con phá gốc mía sạ lúa những mong… đỡ tốn tiền mua gạo!”.
Nhà máy: Mong được nông dân sẻ chia
Đó là thông điệp mà Nhà máy gửi đến người trồng mía trong tỉnh. Bởi theo Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Nguyễn Xuân Hảo: “Giá thu mua mía nguyên liệu giảm, chúng tôi cũng khổ chẳng kém nông dân. Nhưng vì giá mía phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ đường nên chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc… động viên và thắt lưng buộc bụng để bù lỗ cho nông dân”. Điều này có nghĩa, Nhà máy sẽ nâng giá thu mua mía nguyên liệu từ 684.000 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn.
Dù biết mức giá trên vẫn chưa khiến người trồng mía hài lòng, nhưng với 210.000 tấn mía, Nhà máy đã phải “bù” hơn 32 tỷ đồng. Trước đó, trong niên vụ mía 2013 - 2014, Nhà máy cũng bỏ ra trên 30 tỷ đồng để nâng giá thu mua mía từ 712.500 - 780.900 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn nhằm “giữ chân” nông dân.
Cùng với việc trợ giá, giải pháp được Nhà máy xác định sẽ giúp “đôi bên cùng có lợi” chính là cải thiện quy trình sản xuất để nâng cao năng suất. Vì theo ông Nguyễn Xuân Hảo thì hiện giờ, năng suất mía bình quân toàn tỉnh vẫn dưới mức 60 tấn/ha. Trong khi đó, vốn đầu tư ban đầu cho cây mía ước 30 - 40 triệu đồng/ha. Do đó “nếu không có biện pháp tăng năng suất, cả Nhà máy lẫn người trồng mía đều khó sống”, ông Hảo khẳng định.
Để thực hiện giải pháp này, Nhà máy cũng đã thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn mía ở các xã Sơn Cao, Sơn Giang, Sơn Kỳ, Sơn Ba và Sơn Thủy (Sơn Hà) với diện tích 130ha. Theo đó, Nhà máy đã hỗ trợ người trồng mía một phần chi phí về làm đất, giống, phân bón các loại và hướng dẫn, chuyển giao quy trình, kỹ thuật sản xuất như ứng dụng cơ giới hóa, cách cải tạo đất và chăm sóc mía… Nhờ vậy, năng suất mía bình quân khu vực này đạt 70 tấn/ha, tăng 20 tấn/ha so với các vùng khác. Ngoài ra, để giúp nông dân yên tâm với kết quả xác định chữ đường (CCS), Nhà máy cam kết “sẽ cùng người trồng mía, chính quyền địa phương thực hiện việc khoan mẫu tại ruộng, rồi lấy CCS bình quân trên toàn diện tích”.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Hảo thì đây chính là cách “duy nhất và minh bạch nhất trong việc xác định CCS”.
Quả thật, việc giá nguyên liệu giảm, rồi kết quả xác định CCS được cho là thiếu minh bạch đã khiến không ít nông dân quay lưng với cây mía. Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết của Nhà máy, phía nông dân cũng không ít lỗi. Từ việc “xé” quy trình chăm sóc hay cải tạo đất, “cắt xén” phân bón đến chuyện thu hoạch theo kiểu “xong việc nhà mới ra đốn mía”... Thế nên, nếu Nhà máy nỗ lực sửa chữa khiếm khuyết thì họ cũng rất mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của nông dân, nhất là chuyện giá cả do tác động thị trường.
Bài, ảnh: MỸ HOA