(Báo Quảng Ngãi)- Những cơ chế, chính sách đặc thù cho Lý Sơn sẽ được bàn thảo tại Hội thảo mang tầm quốc gia. Góp “tiếng nói” với Hội thảo, PV Báo Quảng Ngãi đã ghi một vài ý kiến từ cơ sở.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Tập trung xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn”. Dù là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về số lượng tàu thuyền cũng như sản lượng khai thác thủy sản, nhưng do thiếu điện nên lâu nay, huyện đảo Lý Sơn không thể phát triển được các dịch vụ hậu cần nghề cá. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của huyện mà còn khiến ngư dân thiệt thòi do sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng “thô”, lại phụ thuộc quá lớn vào thương lái trong và ngoài tỉnh; giá bán vì thế cũng bấp bênh.
Do đó, ngay khi có Dự án Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng; mặt bằng dự kiến là tại vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2) và khu cảng cá hiện tại với tổng diện tích khoảng 16 nghìn m2.
Để làm được điều này, trước hết phải tập trung nguồn lực để hoàn thành Dự án vũng neo đậu tàu thuyền (giai đoạn 2). Điều đáng mừng là kế hoạch trên nhận được sự ủng hộ, tán thành của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như Bộ NN&PTNT. Do đó, Bộ sẽ ưu tiên và tạo mọi điều kiện để Khu dịch vụ hậu cần này sớm được triển khai thực hiện.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: “Cần có chính sách đặc thù về phát triển nông - ngư nghiệp”
Hiện nay huyện đảo còn lắm băn khoăn trong việc sản xuất tỏi, hành bền vững. Thực tế, để trồng hành, tỏi, môi trường, cảnh quan của đảo đang phải “hy sinh” khá lớn. Nông dân lấy cát biển, đất đồi để trồng và thay thế hằng năm, dẫn đến sạt lở bờ biển, sạt lở đất đồi. Về lâu dài, sẽ mất khả năng cân bằng môi trường sinh thái, cảnh quan huyện đảo. Huyện mong muốn các nhà khoa học sẽ vào cuộc để tìm giải pháp sản xuất tỏi, hành bền vững. Đồng thời ứng dụng khoa học tiên tiến để chế biến tỏi đen, nâng cao giá trị hàng hóa của tỏi. Huyện cũng mong muốn được hỗ trợ để xây dựng sản phẩm du lịch từ nghề trồng hành, tỏi của nông dân; du lịch văn hóa tâm linh. Để bảo vệ vững chắc môi trường biển đảo Lý Sơn, phát triển du lịch không nên đầu tư theo kiểu “bê tông hóa”, xây dựng quá nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng.
Ngư dân Dương Minh Thạnh, thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 96509TS ở thôn Tây, xã An Hải: “Chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi cần khả thi hơn”. Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản có hiệu lực, ngư dân Lý Sơn rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, khi thực hiện đã xuất hiện nhiều điểm khó khả thi. Chính sách thì “mở” nhưng thực thi lại bị “gút” lại. Chẳng hạn thủ tục vay vốn, trước chỉ là quan hệ tín dụng giữa ngư dân – ngân hàng, còn theo Nghị định 67 phải qua tới 4 bước, ngư dân phải qua xã, huyện, tỉnh, rồi cuối cùng mới tới ngân hàng. Rồi thế chấp chính con tàu được vay vốn, con tàu này thực tế là tài sản của tập thể có nhiều phần hùn, nhưng khi thế chấp chỉ yêu cầu chủ tàu đứng tên nên khi phát sinh rủi ro, rất phức tạp, khó giải quyết.
Đối với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chính sách quy định khá thông thoáng nhưng thực tế trên huyện đảo Lý Sơn, nếu tổ chức dịch vụ này cũng không phải đơn giản. Ngư dân Lý Sơn mong muốn Chính phủ cần nghiên cứu thực tế để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thủy sản cho huyện đảo sao cho khả thi hơn.
MỸ HOA-THANH NHỊ