Phát triển đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng (Kỳ 2)

10:09, 19/09/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Điện quốc gia - động lực lớn cho Lý Sơn phát triển


Hơn 21 năm sau ngày thành lập, đến cuối tháng 9.2014 này Lý Sơn có điện lưới quốc gia. Dòng điện này về đảo không chỉ mang lại niềm vui cho 22.000 dân trên đảo, mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Lý Sơn trong thời gian đến.


Điện quốc gia ra Lý Sơn

Từ khi thành lập đến nay, Lý Sơn đã được triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương án cấp điện cho đảo như: Điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và gần đây nhất là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than. Tuy nhiên, các dự án này đều “chết yểu”. Từ yêu cầu bức bách phải sớm có đủ điện cho Lý Sơn, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14.10.2013, Bộ Công thương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình "Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm". Tổng Công ty Điện lực Miền Trung được giao làm chủ đầu tư dự án.

 

Huyện đảo Lý Sơn sẽ phát triển toàn diện khi có điện quốc gia về. Trong ảnh: Điện cáp ngầm đã kéo ra đến đảo.
Huyện đảo Lý Sơn sẽ phát triển toàn diện khi có điện quốc gia về. Trong ảnh: Điện cáp ngầm đã kéo ra đến đảo.


Nhớ lại câu chuyện điện ở đảo Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ tháng 7.1999, hai xã An Hải và An Vĩnh của Lý Sơn đã có điện. Khi ấy, mỗi xã được dùng điện luân phiên nên đêm có, đêm không, mỗi đêm có điện từ 4 đến 5 giờ. Ðầu năm 2012, Công ty Ðiện lực Quảng Ngãi lắp đặt bổ sung các máy phát điện, cải tạo nâng cấp đường dây trung áp, đường dây hạ áp, lắp đặt thêm trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.520kVA cùng 8 tổ máy phát điện, công suất 2.200 kW để cấp điện, do vậy đảo Lý Sơn được cấp điện 6 giờ/ngày.

Tuy nhiên, vì chạy bằng dầu diesel nên giá thành sản xuất điện rất cao (8.481 đồng/kWh), trong khi giá bán điện được khống chế 746 đồng/kWh, dẫn đến hằng năm ngân sách và ngành điện phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng. Mặc dù vậy, điện chỉ đủ thắp đèn dùng cho sinh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, sản xuất, du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo.

Động lực lớn thúc đẩy kinh tế phát triển

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Khi nghe tin đảo Lý Sơn có điện quốc gia, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá đã khảo sát, tiến đến mở cơ sở làm ăn. Ở các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sơ chế nông sản, chế biến hành, tỏi sấy khô đã bắt đầu lập kế hoạch mở cơ sở. Với mỗi nông dân, họ đã đầu tư tiền lắp đặt hệ thống mô tơ chạy bằng điện để tưới phun cho hành, tỏi và hoa màu khác. Còn ông Bùi Thế Lại - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn thì quả quyết: “Có điện, nông sản của nông dân cũng sẽ được đầu tư bảo quản cẩn thận, tránh hao hụt, tổn thất như lâu nay. Nói chung, điện quốc gia sẽ làm thay đổi hẳn phương thức canh tác, bảo quản nông sản của hơn 3.400 hộ nông dân trên đảo”.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên trước ngày đóng điện cáp ngầm vào hệ thống điện lưới quốc gia, bà Phạm Thị Hương tin tưởng: “Dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ mở ra, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ sẽ phát triển. Có điện, cộng với những chính sách ưu đãi phát triển thủy sản theo Nghị định 67 mới đây của Chính phủ, nghề biển ở Lý Sơn hứa hẹn những bước đột phá lớn”.

 “Du lịch biển đảo” được nâng tầm

Lượng khách du lịch thời gian gần đây tìm đến đảo Lý Sơn ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê, mỗi tháng có hàng nghìn lượt khách thập phương ra đảo tham quan, tìm hiểu, khám phá về mảnh đất được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, và là quê hương đội hùng binh Hoàng Sa. Tuy nhiên, du khách không khỏi phiền lòng khi thiếu điện, hạ tầng du lịch, đặc biệt là dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn chất lượng kém, chưa đáp ứng nhu cầu. Những hạn chế này đang được kỳ vọng sẽ được giải quyết triệt để khi có điện lưới quốc gia.

Ông Phạm Ngọc Thanh - chủ Nhà nghỉ Viễn Đông, thôn Đông, xã An Hải mấy hôm nay chộn rộn chuyện mua sắm máy lạnh, máy nước nóng đầu tư cho hệ thống phòng nghỉ của mình. Ông Thanh khoe: Đầu tư 100 triệu đồng mua máy lạnh, máy nước nóng. Số tiền này thực ra là số tiền điện diezel, tiền dầu chạy máy nổ phục vụ khách trong 1 năm khi chưa có điện quốc gia thôi. Có điện quốc gia, mỗi năm, nhà nghỉ của tôi tiết kiệm được 80 triệu đồng. Tôi sẽ giảm giá phòng từ 250 nghìn đồng xuống chỉ còn 200 nghìn đồng/phòng, chạy máy lạnh, máy nước nóng hết ga cũng vẫn có lãi hơn hồi chưa có điện quốc gia. “Có điện quốc gia, khách ra đảo vừa được hưởng thụ dịch vụ “sướng hơn trước” nhưng giá phòng lại giảm, chắc ngày càng thu hút được nhiều khách  hơn”-  ông Thanh hy vọng.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.