Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do bã mì tươi

04:09, 14/09/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Cùng với tăng giá trị kinh tế cho phế phẩm của mì (sắn); việc đưa hệ thống dây chuyền ép, sấy bã tươi với tổng trị giá gần 9 tỉ đồng vào hoạt động, đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do việc phơi bã mì gây ra.

TIN LIÊN QUAN

Khốn khổ vì bã mì

Từ nhiều năm qua, khi đoạn bờ tây sông Rin, nằm gần trung tâm xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà trở thành nơi phơi xác bã mì tươi, đã làm cả khu vực rộng lớn ở nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt tại khu vực dân cư thuộc thôn Gò Sim, nằm cách bãi phơi từ 20-30m, mùi xác mì bốc lên nồng nặc, ngột ngạt đến mức ngạt thở.

Cán bộ nhà máy theo dõi việc vận hành của hệ thống
Cán bộ nhà máy theo dõi việc vận hành của hệ thống

 

Anh Võ Văn Thành (31 tuổi), ở thị trấn Di Lăng, cùng huyện là người buôn bán thường hay qua lại khu vực này kể: Vào mùa nắng nóng, mỗi lần đi qua đây gặp phải lúc đang phơi bã mì thì phải nín thở vì mùi hôi thối không chịu nỗi. Cùng không khí ô nhiễm trầm trọng, nước từ xác mì tươi phần thì ngấm vào làm hàng ngàn mét vuông đất vốn nổi tiếng màu mỡ đang trở thành đất chết; phần đọng trên mặt tạo nên những vũng nước đen ngòm nhầy nhụa; số thì len lỏi chảy xuống thẳng dòng sông Re.

Ông Đinh Văn Tin (42 tuổi), người dân sống gần khu vực này phản ánh: Riêng ở khu vực bãi chứa phía tây, nhiều lần nước bã mì chảy thẳng xuống thấm vào ruộng làm hư, chết lúa của người dân; nhiều diện tích khác cũng bị ảnh hưởng không trồng cây gì được. Còn ông Đinh Văn Hơn (38 tuổi), cho biết thêm: Khu đất bồi ven sông trước khi được sử dụng làm bãi phơi bã mì, cây gì trồng cây ở đây cũng phát triển rất tốt. Thế nhưng giờ trồng cây không lớn và thường hay bị chết.

Lời giải cho bài toán khó

Tiếp thu phản ánh, kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, sau một thời gian tìm hiểu và lựa chọn, vào tháng 4.2014, Nhà máy mì Sơn Hải-Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã đầu tư hệ thống dây chuyền sấy bã tươi, với tổng kinh phí gần 9 tỉ đồng.

 

 Sản phẩm mì tươi sau khi được xử lý
Sản phẩm mì tươi sau khi được xử lý.


Ông Đồng Văn Lập- Giám đốc Nhà máy mì Sơn Hải bày tỏ: Trước đây việc bao tiêu bã mì của nhà máy do doanh nghiệp Hòa Thắng đảm nhận, với giá bán từ 5-10 đồng/kg bã tươi. Thế nhưng do quá trình thu gom, sơ chế mà chủ yếu là mang phơi ngoài nắng nên đã gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh, gây bức xúc cho người dân.

Tuy nhiên với việc đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống ép sấy bã tươi này, toàn bộ nước thải của bã mì tươi sẽ được thu gom và xử lý ngay trong hệ thống của nhà máy. Vì vậy tình trạng ô nhiễm do nước mì tươi chảy ra, mùi hôi thối trong quá trình phơi thủ công như trước đã giảm đến mức tối thiểu. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế của phế phẩm của mì sau khi được ép, sấy cũng sẽ tăng lên từ 10-20% so với trước.

Được biết trước đó, nhà máy mì Sơn Hải-Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cũng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy trong quá trình sản xuất.
                     

   Công Hoàng
 


.