Kỳ 2: Xa ngái... Vạn Tường
|
Nhà to nhưng lo nhiều thứ
Ngay trung tâm đô thị Vạn Tường là Cung văn hóa thể thao với sức chứa cả ngàn người. Đài truyền hình, Trung tâm quan trắc môi trường, khu đô thị sinh thái Dầu khí… được đầu tư quy mô, hoành tráng. Mang đầy đủ “hình hài” của một thành phố, Vạn Tường được kỳ vọng sẽ là khu đô thị mới thu hút cả trăm nghìn dân. Vậy mà sau gần 6 năm được quy hoạch, điều chỉnh vùng đất ngỡ sẽ là “đất lành” này vẫn thưa vắng nhà dân, hàng quán từng một thời mở ra như nấm sau mưa, giờ cũng dẹp tiệm gần hết.
Ngay khu đô thị sinh thái Dầu khí, dù có diện tích 88.000m2 với 8 căn biệt thự đơn lập, 136 biệt thự song lập và 4 chung cư 5 tầng nhưng cũng chỉ có khoảng 700 cán bộ, công nhân viên đang ở. Một nghịch lý đang tồn tại ở đây đó là, mặc dù khu đô thị sinh thái đã hoàn thành xong công trình trường mẫu giáo với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ năm 2010 nhưng hiện nay, con em của cán bộ, công nhân viên sống tại đây vẫn không có chỗ gởi trẻ.
Một số dự án đầu tư phục vụ vui chơi, giải trí ở đô thị Vạn Tường đầu tư dang dở, hiện đã xuống cấp. |
Lý giải điều này, ông Lê Xuân Huy- Trưởng Phòng quản lý hành chính, Công ty Cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí (PV Building) trăn trở: “Năm 2010, chúng tôi mời hẳn chuyên gia của Bộ GD&ĐT về tư vấn thiết kế. Từ chi tiết nhỏ nhất như kích thước bồn rửa tay…chúng tôi đều nghiên cứu kỹ lưỡng với hy vọng tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ. Nhưng rồi sau khi hoàn thành, trường chỉ có khoảng 5-7 trẻ có nhu cầu vào học, số còn lại, phụ huynh lựa chọn gửi con ở các trường mầm non ở TP.Quảng Ngãi. Bởi thế, trường không thể đi vào hoạt động với quá ít học sinh”.
Ngoài trường mầm non phải “đóng cửa” vì không đủ số lượng học sinh, siêu thị Vạn Tường Mini Mark được xây dựng để phục vụ cho cư dân trong khu đô thị sinh thái Dầu khí cũng chỉ hoạt động gần 1 năm rồi ế ẩm. “Khi cần mua sữa cho con, chúng tôi thà mất thêm chút thời gian đi xe buýt lên các siêu thị ở TP.Quảng Ngãi để mua, chứ ít mua ở đây. Vì các loại mặt hàng trong Mini Mark đều không có sự đa dạng để mình lựa chọn”, chị N.T.H, sống trong khu đô thị sinh thái Dầu khí tâm sự. Có nhà trẻ nhưng không thể vận hành, thiếu siêu thị, bể bơi và nơi vui chơi giải trí…khiến những người trót “nặng nợ” với đô thị Vạn Tường phải “gồng” mình sống giữa một khu nhà to, nhưng lo đủ thứ.
Ở chẳng được, đi không đành
Không như khu nhà Vạn Tường hiện vẫn có người ở, khu biệt thự Thiên Tân dù được đầu tư với số vốn 152 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 3 năm kín chỗ đã rơi vào cảnh “vườn không, nhà trống”. Là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sớm nhất vào đô thị Vạn Tường, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân đã san sẻ được gánh lo với tỉnh nhà khi đáp ứng được toàn bộ chỗ ở cho gần 1.000 chuyên gia và kỹ sư thi công Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc, chuyên gia lần lượt về nước, cũng là lúc khu biệt thự này không còn người ở.
“Giờ chúng tôi chỉ có thể chờ Nhà nước có thêm những chính sách đầu tư tập trung về tiện ích công cộng để thu hút dân cư và các giải pháp thiết thực thu hút doanh nghiệp vào Vạn Tường, thì mới mong dự án Khu biệt thự Thiên Tân tiếp tục phát huy được giá trị”, ông Huỳnh Kim Lập- Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân cho biết. Hiện tại, dù không có người ở, nhưng hằng năm, công ty phải chi gần 2 tỷ đồng để bảo vệ, bảo dưỡng công trình.
Không chỉ doanh nghiệp phải khổ sở khi công trình đầu tư vào đô thị Vạn Tường rơi vào cảnh “đắp mền” chờ thu hút dân mà ngay cả những cư dân mới của “thành phố trẻ” cũng tìm cách bán đổ bán tháo đất đai, khi chờ đợi mãi mà tình hình vẫn không khởi sắc. Anh Nguyễn Minh Tài, người đang sở hữu 1.200m2 đất nền ở đô thị Vạn Tường rầu rĩ: “Tôi dồn hết vốn liếng tậu một miếng đất với hy vọng khi mọi người đổ xô đến Vạn Tường, thì tôi sẽ mở dịch vụ buôn bán kiếm thu nhập. Ai có ngờ chờ cả chục năm mà Vạn Tường vắng vẫn hoàn vắng”.
Không còn là một vùng đất của những rẫy mì, bắp bạt ngàn, đô thị Vạn Tường mở ra đã mang lại cho các xã khu Đông của huyện Bình Sơn cơ sở hạ tầng hiện đại, khang trang với đường phố thẳng tắp, nhà máy san sát. Giấc mơ từ làng lên phố của những người nông dân chân lấm tay bùn trở nên rõ ràng. Nhưng rồi, sau cả chục năm mòn mỏi, niềm tin về một thành phố trong mơ dường như xa ngái. Và họ bắt đầu tìm về những mảnh đất trước đây nhường lại cho việc quy hoạch thành phố để khai khẩn, sản xuất.
Đang chăn thả bò ngay trong phần đất của dự án khu vui chơi giải trí dành cho cán bộ nhân viên Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã hoang phế 5 năm, bà Nguyễn Thị Lê, thôn An Lộc, xã Bình Trị rưng rưng: “Chỗ bỏ hoang này, chính là rẫy mì của gia đình tôi chục năm về trước. Năm 2001, tiền đền bù 2 sào đất rẫy cũng chỉ 750 ngàn, nhưng tôi thuận lòng vì mong sẽ được lên thành phố. Ai có ngờ, giờ nó bị bỏ hoang”. Có 4 mảnh đất rẫy với tổng diện tích gần 10 sào nằm trong dự án nhưng chờ mãi không thấy công trình nào triển khai trên phần đất của mình, nên bà Lê hiện giờ đã quay trở lại rẫy cũ để trồng trọt. Hàng dương liễu mà bà trồng nay đã cao quá đầu người, thế mà các công trình, dự án hứa hẹn xây dựng thì vẫn chẳng thấy đâu.
Bài, ảnh: Ý THU