(Báo Quảng Ngãi)- Vụ hè thu năm nay nông dân trong tỉnh không chỉ trúng lúa, mà còn được cả rơm rạ khô vàng. Hẳn thế mà những ngày này, khắp các cánh đồng trong tỉnh, đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân tất bật nhưng không kém phần nhộn nhịp, phấn khởi…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy đang giai đoạn thu hoạch, nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp cũng như bà con nông dân thì vụ hè thu này, năng suất lúa không hề thua kém vụ đông xuân vừa rồi. Để có được một mùa “vàng” như thế, ngoài lý do đồng ruộng ít bị sâu bọ, chuột tấn công, thì việc điều tiết và sử dụng nước hợp lý ngay từ đầu vụ đã góp phần giúp cây lúa bớt “khát”, diện tích bỏ hoang giảm.
Nông dân bể bồ lúa…
“Này cô xem, lúa chắc nhiều mà ít dé. Như 1,5 sào TH6 này của tôi mà được tới 14 bao lúa”, vừa nói, ông Trịnh Tình ở xứ đồng Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) vừa hì hục kéo lúa chất lên bờ, đợi xe công nông đến chở. Thời gian rảnh rỗi ấy, ông Tình kể với chúng tôi rằng, dù lúa ở cánh đồng Đông Hiệp không lo “khát” vì có kênh dẫn nước tưới từ Thạch Nham nhưng đầu vụ, thấy nắng nóng quá, rồi nghe Thạch Nham khô cạn nên bà con ở đây ai cũng thấp thỏm. Bởi, “ở đây xa xóm nên khó đào giếng, kéo điện lắm. Lỡ mà nước khô thiệt thì lúa tiêu hết”, ông Tình nói. Hẳn vì sự lo lắng ấy mà suốt mùa nắng nóng, ông Tình cũng như nông dân nơi đây thường có mặt ở đồng ruộng để “canh” nước sao cho nó vừa ngập chân lúa là tháo đi, chứ không để chảy tự do như bao lần trước đó. Kết quả của ý thức tiết kiệm ấy là vụ hè thu này, bà con nơi đây có được một vụ “bể bồ”, với năng suất lúa đến 60 - 70 tạ/ha. Cá biệt có nhiều hộ sạ lúa lai như ông Quang, ông Cường đã thu đến 72 - 75 tạ/ha.
Vui với mùa lúa “vàng”. |
Còn tại xã Phổ Thuận (Đức Phổ), bà con nông dân cũng đang tận hưởng niềm vui trúng mùa như mơ của mình. Chuyện là, địa phương trên ngay từ đầu đã được ngành nông nghiệp đưa vào diện “có thể không gieo sạ” vì sợ thiếu nước. Nhưng do vụ hè thu 2013, số diện tích này đã bị bỏ hoang nên để đảm bảo “vò gạo” của mình, nông dân xin huyện “liều” gieo sạ với điều kiện “sẽ tự chịu trách nhiệm nếu mất mùa do hạn”. Kết quả, nước từ các hồ chứa vẫn còn đến được đồng Phổ Thuận, lại thêm những trận mưa “vàng” nên bà con đã kết thúc vụ với năng suất trên 57 tạ/ha. “Đúng là trời thương. Chứ có vụ hè thu nào mà tôi được tới 7 - 8 bao lúa/sào đâu, thường trúng lắm là 5 - 6 bao lúa/sào thôi”, ông Nguyễn Văn Bảy hồ hởi cho hay.
Không riêng gì hai địa phương trên mà hiện giờ, nông dân khắp nơi trong tỉnh cũng đang tất bật, nhộn nhịp bước vào vụ gặt với niềm vui được mùa. Thế nên khi chúng tôi hỏi chuyện lúa, ai cũng hồ hởi bảo “năm nay nông dân tụi tôi no, quá no!”. Nghe thế, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô nói vui: “Ông trời đền bù cho bà con sau trận lụt 2013 đó mà. Chứ hiếm có vụ hè thu nào mà cây lúa toàn tỉnh lại ít bị dịch hại, chuột để bình yên sống khỏe, mắn đẻ hạt như vụ này. Mà cũng hiếm có năm nào, nông dân lại trúng cả hai vụ lúa đông xuân và hè thu như năm nay”.
…lại được cả rơm
Không chỉ vui vì được lúa, mà nông dân còn phấn khởi khi thu được gần như toàn bộ rơm rạ. Bởi theo ông Nguyễn Hùng, xã Đức Tân (Mộ Đức) thì vụ hè thu, trời hay mưa nên chỉ cứu được lúa, còn rơm rạ thường bị ngâm nước. “Vậy nhưng vụ này, nhờ trời thương cho mùa gặt nắng, lúa ráo mà rơm cũng được chất thành cây. Có cây rơm này, tôi khỏi lo mấy con bò đói, lạnh mùa mưa”, ông Hùng cho hay.
Nhưng phấn khởi nhất phải kể đến những người trồng nấm. Vì dù đã gom góp, dự trữ rơm rạ ngay từ vụ đông xuân 2013 - 2014 nhưng do nhu cầu sản xuất lớn, nhiều hộ vẫn thấp thỏm lo thất nghiệp nếu vụ hè thu bị mưa dầm. Bởi nói như ông Đặng Quang Chiến, hộ trồng nấm ở thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa (Mộ Đức) thì: “Từ nay đến Tết, nấm tiêu thụ rất mạnh, việc trồng lại khó nên lượng rơm hao hụt cũng nhiều hơn. Trong khi đó, phải đến tháng 4 năm sau mới có rơm mới nên nếu vụ này trời mưa, rơm ướt là coi như tụi tôi… thất nghiệp”. Có lẽ vì thế nên dù lúa hè thu chưa bước vào vụ gặt rộ, ông Chiến đã cùng các hộ ở “làng nấm” thôn Phước Toàn đi khắp các xóm để đặt hàng… mua rơm với mức giá từ 150.000- 200.000 đồng/sào.
Với những hộ không có nhu cầu phục vụ chăn nuôi thì việc mua bán rơm này cũng giúp họ có thêm một khoản thu nhập. Ấy là “lấy rơm bù tiền gặt”, lợi cả đôi đường. Chẳng thế mà những ngày này, khắp các nơi từ đồng bằng đến miền núi, từ đồng ruộng đến đường quê, đâu đâu cũng vui như hội vì người thồ lúa, người chất rơm vào ra nườm nượp. Quả là một mùa gặt vui trọn vẹn!
Bài, ảnh: MỸ HOA