Triển vọng rau VietGAP

04:08, 21/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ giúp nông dân và người tiêu dùng “tăng lợi, giảm hại” nhưng lâu nay, nó vẫn chỉ là... mục tiêu tuyên truyền. Vì vậy, khi Công ty Qnasafe tiên phong đầu tư và hợp tác với nông dân sản xuất rau VietGAP, nhiều người đã khấp khởi mừng.

Sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ đảm bảo an toàn 3 yếu tố gồm dịch bệnh, môi trường và xã hội, mà còn giúp ngành chức năng và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm khi cần. Do đó, rau VietGAP sẽ được ngành chuyên môn kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, thu hoạch đến đóng gói, vận chuyển tiêu thụ thông qua mã vạch, bao bì.

Triển vọng…

Thoạt nhìn thì trại sản xuất rau VietGAP của Công ty Qnasafe tại xứ đồng Gò Tụ, thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) không có gì đặc biêt cho lắm. Đó cũng là một đám các loại rau gồm cải ngồng, mồng tơi và xà lách. Nếu có khác biệt, thì là nó được phủ kín lưới trắng xung quanh theo kiểu nhà vòm, mái hở lọt thỏm giữa “vựa rau” Gò Tụ. Nhưng đó là bề ngoài, chứ khi vào bên trong, hẳn nông dân nào cũng ước mình được trồng rau trong điều kiện “nắng không gắt, mưa chẳng ướt” như thế. Bởi ngôi nhà trồng rau với diện tích 2.500m2 ấy không có sâu bệnh nhờ bọc lưới, không thuốc bảo vệ thực vật vì dùng chế phẩm sinh học và men vi sinh và còn có “máy điều hòa”- đó là hệ thống tưới phun tự động được bố trí dày đặc.

 

Người dân mua rau VietGAP tại quầy 122 Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi).
Người dân mua rau VietGAP tại quầy 122 Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi).


Thế nên, khi săm soi mớ cải ngồng “vừa xanh vừa mướt”, lão nông Nguyễn Hữu Sáu, ngụ thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) nói như so bì: “Tôi cũng làm đất, gieo giống, chăm bón y như cán bộ công ty hướng dẫn nhưng rau không đạt mức này. Chắc do tôi làm... ngoài trời”. Tuy thua độ đẹp, nhưng ông Sáu khoe rằng sau 3 lứa hợp tác với Qnasafe sản xuất rau theo quy trình VietGAP, năng suất cải bẹ xanh nhà ông cao hơn cách làm truyền thống từ 1 - 2 tạ/sào. Đã thế, đến kỳ thu hoạch công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 5.500 đồng/kg. So với bán chợ hiện giờ, mức giá này thấp hơn 2.500 đồng/kg. “Có điều giá chợ lên xuống thất thường, lúc cao thế nhưng có khi chỉ còn 500 đồng/kg nên theo tôi, giá công ty trả là chấp nhận được. Nông dân có lời mà ngủ ngon, khỏi lo rau ế”, ông Sáu nói.

Còn theo anh Huỳnh Văn Tiếp - cán bộ kỹ thuật Công ty Qnasafe thì ngoài ông Sáu, còn có 4 hộ ở xã Nghĩa Dũng hợp tác trồng rau sạch theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, để tránh việc người dân “xé” quy trình, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín công ty, anh Tiếp đã phải “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm” với bà con; đồng thời cách ly các ruộng với nhau bằng lưới. Ví như chuyện làm cỏ, anh Tiếp bảo rằng, vì không muốn mất thời gian, tiền bạc và công sức mà bà con thường chọn cách dọn cỏ bằng thuốc diệt cỏ cháy. Tuy nhiên, khi làm rau  VietGAP, công ty buộc các hộ phải nhổ cỏ... bằng tay, rồi chôn vào đất. “Lúc đầu  bà con cũng phản ứng vì làm thế, chi phí đội lên cả triệu đồng. Nhưng sau khi được phân tích các hộ trồng rau cũng chấp thuận”, anh Tiếp cho hay.   

…nhưng liệu có “thọ”?

Hiện giờ, rau VietGAP của Công ty Qnasafe đã được cấp mã vạch, bao bì riêng và có mặt trên thị trường. Thế nên ngoài việc mở quầy giới thiệu và phục vụ người dân, công ty cũng đã ký hợp đồng cung ứng rau sạch cho bếp ăn của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, hệ thống nhà trẻ…với sản lượng 500kg/ngày. So với lượng rau vài nghìn tấn được sản xuất ra trên địa bàn toàn tỉnh, con số trên đúng là như muối bỏ bể.

Nhưng với sự non trẻ của rau VietGAP, cộng với thói quen sử dụng và sự hoài nghi của người tiêu dùng thì 500kg rau sạch ấy lại có tác động tích cực. Đó là “người tiêu dùng sẽ có cơ hội làm quen và thay đổi thái độ với rau sạch; còn người sản xuất sẽ suy xét và điều chỉnh hành vi sản xuất của mình để củng cố lòng tin với người tiêu dùng. Nếu được thế, rau VietGAP chắc chắn sẽ có đất sống”, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Võ Văn Kỷ nhận định.

Tuy nhiên, cái khó là dù doanh nghiệp đã “bắt tay” hợp tác, đầu tư và bao tiêu đầu ra nhưng không phải người trồng rau nào cũng hướng về VietGAP. Bằng chứng là ban đầu có đến 18 hộ đăng ký xin hợp tác, nhưng sau khi xem xét những yêu cầu của công ty cũng như quy trình sản xuất, 13 hộ đã bỏ cuộc. Lý do, họ không tin rau VietGAP có thể “thọ” trên thị trường, mức giá công ty niêm yết có thời điểm thấp hơn ngoài chợ, rồi chi phí đầu tư cho rau VietGAP cao hơn 10 - 15% so với rau thông thường… Vì vậy, khi làm ăn với công ty, các hộ chỉ dành một phần nhỏ diện tích, số còn lại để “làm tự do”. Vì vậy mà dù kỳ vọng vào VietGAP, nhưng ông Võ Văn Kỷ vẫn thừa nhận “rất khó nhân rộng nếu ý thức sản xuất và tiêu dùng của người dân không thay đổi”.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.