(Báo Quảng Ngãi)- Dù vụ thu hoạch lúa hè thu chỉ mới bước vào giai đoạn “gặt chiến” nhưng hiện giờ, nông dân một số địa phương bức xúc với… máy gặt đập liên hợp, khiến niềm vui được mùa kém trọn vẹn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chỉ vào đám ruộng giống VN121 trĩu hạt đang được máy gặt đập liên hợp xử lý, bà Huỳnh Thị B., ngụ thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) bực mình bảo: “Lúa chín, sợ đổ ngã nên tôi kêu máy ông này “cộp” cho đỡ tốn công. Ai ngờ khi ổng vừa đánh máy đến ruộng, một chủ máy cùng thôn ở đâu lao đến hăm dọa, chửi bới ầm ĩ, nói đây là địa bàn của mình nên người khác không được đụng đến. Báo hại vợ chồng tôi phải mất công đứng đây “giữ” để tránh xảy ra chuyện không hay”.
Dù mang lại thuận lợi cho nông dân, nhưng vì cạnh tranh nên các chủ máy gặt càng làm khó nông dân. |
Cùng tâm trạng với bà B, người hàng xóm Trần Văn C., cũng không giấu được bức xúc khi đến mùa gặt lúa là các chủ máy trong thôn lại dọa nạt, nhục mạ nhau vì tranh giành ruộng khiến nông dân rất mệt mỏi do phải đợi chờ, rồi tốn công ra đồng “canh giữ”. Thậm chí do “yếu thế” hoặc ngại đụng chạm, một số chủ máy lặng lẽ rút lui, từ chối gặt khiến nông dân phải quay sang… năn nỉ chính người mình đã “chê” điều máy đến thu hoạch lúa giúp.
Lý giải tình trạng trên, nhiều nông dân nơi đây bảo rằng, hiện máy gặt đập liên hợp trong thôn, xã rất nhiều. Nhưng qua mấy vụ theo dõi, họ phát hiện chỉ có một vài máy làm kỹ, lúa sạch, ít sót, gốc rạ cắt thấp, mà giá cả lại phải chăng (chênh lệch giá giữa các máy lên đến 40.000 đồng/sào, tức dao động từ 180.000-220.000 đồng/sào). Hẳn vì lý do này nên mới xảy ra chuyện “máy làm không hết, máy lần chẳng ra”. Kéo theo chuyện các chủ máy bị nông dân chê làm ăn theo kiểu “giá cao gặt dối” tức tối, tìm cách dằn mặt đối thủ để giành ruộng.
Trong khi ở Hành Thịnh xảy ra tình trạng “máy nhà tranh nhau” thì ở một số địa phương khác lại có chuyện “máy vãng lai làm càn”. Tức là lợi dụng thời điểm lúa chín rộ, các máy gặt đập tại địa phương không làm kịp, một số chủ máy ngoài xã (chủ yếu từ Bình Định ra do địa phương này thu hoạch lúa sớm hơn Quảng Ngãi) nhảy vào cuộc và “khuyến mãi” bằng cách…hạ giá! Có điều, “họ hạ rồi mà giá vẫn cao hơn máy địa phương 15.000 - 30.000 đồng/sào. Đã thế, máy đó gặt lúa sống lắm nên có khi tôi mất tới 15 - 20 kg lúa/sào. Nhìn mà xót”, ông Nguyễn Hồng Sơn, ngụ xã Đức Phú (Mộ Đức) - một trong những địa phương đã từng bị máy vãng lai thâm nhập làm càn nhớ lại. Và sau cú lừa ấy, ông Sơn cũng như nông dân Đức Phú cương quyết tẩy chay máy gặt đập liên hợp vãng lai, chấp nhận gặt thủ công mỗi khi các máy trong xã bận.
Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND xã Đức Phú giao cho các thôn, HTX thực hiện cách: Trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa, tất cả các chủ máy trong và ngoài địa phương phải đăng ký với thôn, HTX kèm theo giá cả, thời gian phục vụ. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai để người dân các thôn tự lựa chọn và chốt những chủ máy mà họ cho là uy tín, giá mềm. Nếu phát hiện chủ máy không đăng ký, hoạt động “chui”, UBND xã sẽ kiên quyết xử lý bằng cách đình chỉ. Nhờ cách làm này nên những vụ gần đây, hoạt động của máy gặt đập liên hợp tại xã Đức Phú đã đi vào nền nếp, không còn xảy ra chuyện các chủ máy tranh giành hay ép giá.
Không thể phủ nhận vai trò và hiệu quả của máy gặt đập liên hợp, đó là giảm chi phí, thời gian và rủi ro sau thu hoạch. Nhưng không phải vì điều này mà các chủ máy tự cho mình cái quyền chèn ép, làm khó nông dân. Thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền cơ sở cần có biện pháp cứng rắn nhằm đưa “đội máy” này vào khuôn phép. Và cách làm của UBND xã Đức Phú đáng để các địa phương tham khảo, học hỏi.
Bài, ảnh: MỸ HOA