(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác cát biển phục vụ trồng hành giúp người dân tăng đáng kể năng suất cây trồng. Tuy nhiên, khai thác cát sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Vấn đề này khiến cho nhiều hộ dân ở xã Bình Hải (Bình Sơn) lo ngại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đối với hơn 300 hộ dân ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải), cây hành là “cần câu cơm” nuôi sống cả gia đình. So với hộ dân ở các thôn khác trên địa bàn xã, đời sống của người dân thôn Thanh Thủy khá hơn nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cây hành. Ông Nguyễn Văn Trí-Trưởng thôn Thanh Thủy cho biết, mức thu nhập mỗi năm từ việc trồng hành của người dân khoảng 60-70 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ đạt trên 100 triệu đồng/năm, có hộ trên 300 triệu đồng/năm. Theo ông Trí, trước đó người dân cũng đã trồng nhiều loại cây nông nghiệp như mì, bắp, dưa… Tuy nhiên, không loại cây trồng nào mang lại thu nhập cao như cây hành. Ông Nguyễn Văn Hải-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, toàn xã Bình Hải hiện có khoảng 100ha đất trồng hành, trong đó thôn Thanh Thủy chiếm khoảng 70% diện tích.
Khai thác cát là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng ở thôn Thanh Thủy (Bình Hải). |
Để cây hành cho năng suất cao, theo kinh nghiệm của người dân sau khi trồng từ 5 đến 7 năm phải thay cát. Nếu thay cát mới năng suất của cây hành sẽ tăng gần gấp đôi so với cát cũ. Sản xuất lâu năm khiến cho cát bị trộn lẫn với đất, trong khi cây hành chỉ “chuộng” đất cát, do đó nhu cầu thay cát phục vụ việc trồng hành là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển ở xã Bình Hải ngày càng nghiêm trọng.
Toàn xã hiện có hàng trăm hộ dân ở Phước Thiện và một số hộ dân ở Thanh Thủy sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Nhiều hộ dân nhà sát biển, luôn phải đối mặt với nỗi lo sạt lở bờ biển, nên họ không đồng tình với việc khai thác cát để trồng hành như lâu nay. Chỉ tay về mé biển “ngoạm” sát nhà dân, bà Huỳnh Thị Thiệt (75 tuổi, ở xóm Hải An, thôn Thanh Thủy) thở dài: “Dần dà chẳng thấy cát ở bãi biển, chỉ thấy sỏi đá trơ ra đó, nước biển thì lăm le phủ nhà dân. Sạt lở ngày càng nặng mà xe chở cát thì hoạt động không chỉ ban ngày, kể cả ban đêm”. Theo lời người dân địa phương thì lâu nay có một số người lén lút khai thác cát biển để bán.
Bà Nguyễn Thị Thương-Bí thư Chi bộ thôn Phước Thiện thì cho rằng, cái lợi của việc khai thác cát biển phục vụ trồng hành thì thấy rõ. Thế nhưng cái hại do khai thác cát mang lại không thể không đề cập. Không thể không cho người dân thôn Thanh Thủy khai thác cát để trồng hành vì đó là “miếng cơm manh áo”. Song, không thể “ngoảnh mặt” trước nỗi lo sạt lở của người dân sống ven biển. Theo bà Thương cũng như nhiều hộ dân sống ven biển thì người dân trồng hành nếu muốn khai thác cát mới phải vận chuyển cát cũ “trả lại” cho biển. Lâu nay, sau khi thay cát, hộ dân trồng hành bỏ cát cũ ven bờ ruộng… Tuy nhiên, Trưởng thôn Thanh Thủy Nguyễn Văn Trí cho rằng không thể vận chuyển cát cũ ra biển vì tốn rất nhiều kinh phí.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho xã Bình Hải triển khai khai thác cát biển phục vụ trồng hành. Cùng với chủ trương cho phép khai thác cát, UBND tỉnh yêu cầu huyện Bình Sơn khẩn trương khảo sát thực tế, đánh giá diễn biến tình hình sạt lở để sớm đề xuất việc đầu tư kè chống sạt lở bờ biển thôn Thanh Thủy.
Mặc dù đã có chủ trương cho khai thác cát biển phục vụ trồng hành của UBND tỉnh, song chính quyền xã Bình Hải đang gặp lúng túng bởi sự không đồng tình của người dân địa phương, nhất là các hộ dân ở thôn Phước Thiện. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Nguyễn Văn Hai nói: “Vấn đề này khiến cho địa phương phải đau đầu. Các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra hướng giải quyết sao cho thấu tình đạt lý để người dân ở Thanh Thủy, Phước Thiện yên tâm lao động, sản xuất.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ