TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân hồ hởi đăng ký vay vốn
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Lương Kim Sơn cho hay: Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, về các xã biển đâu đâu cũng nghe người dân bàn chuyện đóng tàu. Bởi có chính sách mới này, nhiều hộ sẽ không còn phải lo chạy vạy vốn với lãi suất “cắt cổ” nữa.
Tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án tính toán xây dựng các cảng cá, để đáp ứng nhu cầu neo đậu của các tàu lớn. Ảnh: Mai Hạ |
Theo UBND huyện Bình Sơn thì không chỉ ngư dân Bình Chánh, Bình Châu mà các ngư dân lâu nay đóng tàu công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ như Bình Thạnh, Bình Trị, Bình Đông cũng đăng ký vay vốn để đóng tàu hành nghề câu khơi, lưới vây có công suất từ 400 – 1.500 CV phù hợp với quy định của Nghị định 67. Tính đến trung tuần tháng 8, ngư dân Bình Sơn đã đăng ký đóng mới 42 tàu vỏ thép, 70 tàu vỏ gỗ. Đây là địa phương có ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn với số lượng cao nhất nhì tỉnh.
Ở huyện đảo Lý Sơn, ngư dân cũng đã háo hức chờ Nghị định có hiệu lực. Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Huyện đã tiếp nhận 27 đơn đăng ký đóng tàu vỏ gỗ, vỏ thép. Các tổ chức, công ty, cá nhân đóng tàu cũng đã đăng ký vay vốn từ chính sách hỗ trợ của Nghị định 67.
Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT giao cho Quảng Ngãi đóng mới 174 tàu cá, 15 tàu hậu cần trong giai đoạn 2014 – 2016. Đến 15.8, Chi cục bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã tiếp nhận đơn đăng ký đóng mới 163 chiếc tàu cá, trong đó có 109 chiếc tàu vỏ thép, còn lại tàu vỏ gỗ và tàu composite.
Nhưng vẫn… phập phồng
Dù hăng hái ghi tên vay vốn đóng tàu vỏ thép, nhưng ngư dân Đặng Hừng ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vẫn luôn phập phồng khi mà đã gần tháng nay, ông chưa nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan đến hồ sơ xin vay vốn để đóng mới con tàu mơ ước của mình. Hẳn thế mà khi gặp chúng tôi, ông buồn rầu, hỏi: “Tàu tôi không thuộc diện ưu tiên nên không được duyệt vay phải không cô”? Mặc dù chúng tôi đã giải thích rằng đến ngày 25.8, Nghị định 67 mới có hiệu lực, nhưng ông Hừng bảo rằng: “Tàu tôi hành nghề giã cào. Mà tôi nghe bà con bảo nhau là, nghề này không được ngành chức năng hoan nghênh cho lắm nên chắc cũng khó được vay vốn ưu đãi”.
Chính sách mới sẽ giúp ngư dân thay những con tàu công suất nhỏ như thế này để những chuyến vươn khơi an toàn, hiệu quả hơn. Ảnh: MỸ HOA |
Cùng tâm trạng với ông Hừng, người hàng xóm Huỳnh Đồ cũng lo lắng không biết liệu con tàu gỗ của mình có được “đổi vỏ, thay máy”? Bởi hiện giờ, tàu ông Đồ cũng hành nghề giã cào, đánh bắt chủ yếu ở các vùng biển thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ. Chẳng biết có phải vì những lý do này hay không mà đến thời điểm này, Nghĩa An chỉ có 2 ngư dân đăng ký xin vay vốn đóng tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ công suất lớn. Con số quá nhỏ so với 1.012 chiếc tàu công suất trên 90 CV (chiếm 2/3 tàu toàn xã) đang hành nghề đánh bắt trên khắp các vùng biển trong cả nước.
Còn tại xã Bình Châu (Bình Sơn), ngư dân đăng ký xin vay vốn để “thay tàu” nhưng họ lo “không biết phải đợi đến bao giờ mới có tiền”? Lý giải lo lắng này, ngư dân Dương Văn Di bảo: “Tôi tin tưởng chính sách nhà nước, tin lời ông Cao Đức Phát (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT-PV) nói hôm đối thoại với chúng tôi là “tiền đã có, chỉ đợi ngư dân gật đầu”. Nhưng nói thật là nghĩ đến cảnh chạy đi chạy lại để làm hồ sơ, thủ tục, ngư dân chúng tôi lại… ngán!”
Ngành chức năng lo lắng
Trong khi ngư dân phập phồng mong mỏi sớm được vay vốn ưu đãi thì chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đứng ngồi không yên trước bao cái khó khi triển khai thực hiện Nghị định 67.
Khó khăn lớn nhất theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Đỗ Hồng Minh là “đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết cụ thể đối tượng, ngành nghề nào được ưu tiên vay vốn nên cũng chưa dám chốt danh sách ngư dân đăng ký”. Cũng theo ông Minh, những lo lắng của ngư dân Nghĩa An về chuyện “khó vay vốn do tàu hành nghề giã cào” là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, loại nghề này không được ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển. Trong khi đó, xã Nghĩa An có hơn 50% loại tàu thuyền đang hành nghề này.
Trong khi ở các địa phương ngư dân đang tập trung đăng ký vay vốn thì đến thời điểm này, Quảng Ngãi và các tỉnh ven biển vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch triển khai vay vốn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Lê Văn Sơn, giữa lúc ngư dân sốt sắng, mong sớm nhận được vốn vay thì Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành mẫu đăng ký thống nhất nên Chi cục cũng không biết đâu mà triển khai; rồi thì việc ngân hàng độc lập duyệt hồ sơ cũng dễ xảy ra chuyện “tỉnh duyệt 10, ngân hàng cho vay 1”. Do đó, “tốt nhất phía ngân hàng nên cùng với chính quyền thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn của ngư dân ngay từ đầu”, ông Sơn bày tỏ.
Tập trung triển khai Nghị định 67
|