(Báo Quảng Ngãi)- “Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất mía trên đất gò đồi nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng mía tại huyện Sơn Hà” được triển khai trong hai năm 2014 – 2015. Với quy mô 200ha, cánh đồng mẫu này hứa hẹn giúp người trồng mía có đời sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, dự án đang gặp phải một số trở lực, cần có sự quan tâm vào cuộc của cả “4 nhà” để kịp thời tháo gỡ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mô hình kiểu mẫu
Cuối năm 2013, sau khi UBND tỉnh phê duyệt, Dự án “cánh đồng mẫu sản xuất mía” được cơ quan chủ trì phối hợp với huyện Sơn Hà triển khai thực hiện. Đến nay, dự án đi được 1/4 chặng đường và đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều nông dân tham gia dự án tỏ ra phấn khởi, tự tin hơn với việc trồng mía đại trà vì họ được hỗ trợ giống mía chất lượng, được cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” từ khi làm đất, đặt giống cho đến lúc mía lớn, thu hoạch. Ông Đinh Văn Be, thôn Xà Ây, xã Sơn Cao, cho biết: “Tham gia cánh đồng mẫu lớn, việc trồng mía thuận lợi, dễ dàng hơn trước đây. Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rất tận tình nên mía lớn nhanh. Trước đây, nông dân tự trồng, biết gì làm nấy, mía không đẹp như thế này”.
Nông dân xã Sơn Cao chăm sóc mía trong “cánh đồng mẫu”. |
Kể từ khi triển khai cánh đồng mẫu sản xuất mía trên đất gò đồi ở Sơn Hà, Nhà máy Đường Phổ Phong đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đứng cánh tại ruộng kịp thời hỗ trợ nông dân trồng, chăm sóc mía, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đây được xem là bước đột phá, giúp nông dân “sống khỏe” nhờ cây mía với quy trình khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm.
“4 nhà” liên kết
Tuy đạt được một số kết quả nhưng so với yêu cầu thì tiến độ dự án vẫn chậm vì gặp nhiều trở ngại. Đó là chính quyền địa phương các xã thuộc vùng dự án chưa thực sự quan tâm đúng mức trong vận động các hộ nông dân triển khai thực hiện; xã chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, nên việc xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất mía 25 ha là rất khó khăn. Ngoài ra, cây mía hiện cũng chịu áp lực cạnh tranh của một số loại cây trồng khác về thu nhập, nhất là cây mì.
Đặc biệt, niên vụ 2013 – 2014 giá mía thấp hơn các niên vụ trước nên người trồng mía chưa thật sự an tâm. Một số nông dân dù đã đăng ký, nhưng khi dự án chính thức triển khai thì lại rút, không tham gia nữa vì “thiếu nhân công”. Ngoài ra, thời tiết năm 2014 bất lợi, khô hạn kéo dài từ tháng 2 đến nay rất khó khăn trong làm đất xuống giống và chăm sóc mía. Tình trạng này kéo dài rất có khả năng mía chết, đặc biệt là diện tích mía trồng theo phương thức tiểu bậc thang.
Trước tình hình trên, UBND huyện Sơn Hà đã phối hợp với các cơ quan liên quan và Nhà máy Đường Phổ Phong tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân an tâm tham gia trồng mía. Tuy nhiên, đến nay diện tích mía trồng trong dự án vẫn chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, dự án cánh đồng mẫu sản xuất mía được triển khai tại 4 xã là Sơn Hạ, Sơn Thành, Sơn Cao, Sơn Giang với tổng diện tích 200ha trong 2 năm 2014 – 2015. Tuy nhiên, sau 1/4 chặng đường của dự án, UBND huyện Sơn Hà xin bổ sung thêm 3 xã là Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba vào dự án, với tổng diện tích “chia sẻ” là 80 ha.
Bà Đinh Thị Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, thiết thực giúp người dân ở vùng cao có điều kiện chuyển đổi từ một vụ lúa bấp bênh sang trồng mía. Tuy nhiên, người dân chưa quyết tâm tham gia dự án, cần phải tiếp tục tăng cường vận động.
Mục tiêu xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất mía ở huyện miền núi Sơn Hà là phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy Đường Phổ Phong ổn định, bền vững; giúp người trồng mía có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai dự án dường như “4 nhà” gồm nhà máy, nhà nông, nhà nước và nhà khoa học vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Vì vậy cần phải có hội nghị giữa “4 nhà” cùng nhau chia sẻ mục tiêu đích thực: Nhà nông làm giàu, nhà máy có vùng nguyên liệu ổn định để phát triển sản xuất, nhà nước an tâm, còn nhà khoa học thì nhận được thành quả về nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học vào cuộc sống.
Bài, ảnh: THANH NHỊ