(Baoquangngai.vn)- Chưa bao giờ, “cơn lốc” thu hái hạt ươi tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi lại có "sức nóng" như hiện nay. Lợi nhuận "khổng lồ" từ hạt ươi đã khiến hàng nghìn người dân đổ xô lên các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây để khai thác ươi. Việc khai thác một cách ồ ạt của người dân đã dẫn đến nhiều hệ lụy... và không ít những cánh rừng ươi dần bị “xóa sổ”.
"Cuộc chiến" của thương lái Ươi được mùa cũng được giá khiến người dân đổ xô đi nhặt. Giới thương lái vì thế cũng nhảy vào cuộc để tranh giành thu mua, kéo theo một đội quân thương lái đông đảo luôn túc trực trên các trục đường vùng cao để mua ươi. |
Giành giật mua ươi
Những ngày cuối tháng 6.2014, chúng tôi làm quen và cùng đi theo chị H-một thương lái thu mua ươi trên địa bàn huyện Sơn Tây để thâm nhập vào “đội quân” thu mua ươi trên những cung đường ở địa bàn xã Sơn Lập và vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Mặc dù, trước khi đi chúng tôi đã nghe chị H nói về cảnh thương lái rất đông đổ về khu vực vực này để mua ươi. Ấy nhưng, ngay khi đến nơi, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi cảnh mua bán hạt ươi đang diễn ra tại đây.
Lúc chúng tôi đến địa bàn xã Sơn Lập chỉ mới 13 giờ chiều, thế nhưng đoạn đường trên khoảng 15km ở phía nam trung tâm xã Sơn Lập và khoảng 10km đoạn đường Trường Sơn Đông đi qua xã Ngọc Tem (Kon Plong, tỉnh Kon Tum) đã có mặt hàng trăm thương lái tụ tập về đây.
Theo quan sát của chúng tôi, họ không mua bán một chỗ cố định mà thường cưỡi xe máy mang theo cân, bao tải liên tục di chuyển, quần thảo đến “chốt chặn” các ngã rẽ đoạn đường dân hái ươi đi qua, hay vào tận các khu dân cư nằm ven tuyến giao thông này để đợi người khai thác quả ươi trở về để tranh mua.
|
Những cuộc mua bán chớp nhoáng giữa rừng. |
Trong lúc ngồi chờ mua ươi, chị H cho hay: Mấy ngày nay người đi đổ về đây thu mua nhiều quá, cạnh tranh nhau, nên lượng ươi chị mua được chẳng được bao nhiêu, chứ khoảng 2 tuần trước thì chừng này đã thu gom được 1,5 tạ. Vừa nói dứt lời, chúng tôi đã thấy chị chạy ào ra bìa rừng, ngớ người một lát, chúng tôi mới hiểu thì ra có nhóm người vừa bước ra khỏi cửa rừng với bao ươi trên vai.
Chỉ có một bao ươi khoảng 20kg, thế nhưng đã có 4-5 tiểu thương cùng vây quanh tranh mua giành giật với nhau. Người mua được, kẻ không mua được, tiếng thách thức, cãi nhau vang cả bìa rừng.
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên trước cảnh mua bán giành giật này, anh Đinh Văn Nhớ ở xã Sơn Lập đứng gần chúng tôi cười bảo, ở đây từ chiều đến tối ngày nào cũng vậy hết đó. Mới hôm trước, cũng ở chỗ này, bà B (thương lái- PV) còn bị các thương lái khác đánh vì tội dám tranh mua với mối khách hàng quen của họ.
Quay trở lại với "thất bại" trong cuộc chiến tranh giành ươi vừa qua, chị H cùng với một thương lái khác tên S quyết định chạy xe máy sang xã Ngọc Tem ở Kon Plong, tỉnh Kon Tum- nơi được mệnh danh là thủ phủ của ươi, cách UBND xã Sơn Lập khoảng 15km để gom hàng.
Mặc dù lúc này đã 6 giờ tối, song cảnh mua bán ươi ở trên tuyến đường này diễn ra rất nhộn nhịp hơn rất nhiều so với xã Sơn Lập. Chỉ trong đoạn đường khoảng 5km, kéo dài từ thôn Đieklo II đến Điektem, chúng tôi ước tính riêng số lượng người mua lên đến cả trăm người. Không chỉ dùng xe máy, mà thương lái còn dùng cả ô tô để gom hàng.
"Do tình trạng người dân đốn hạ cả cây để lấy quả xanh đem bán cho nên chính quyền địa phương ở đây lập 2 trạm kiểm tra với đầy đủ lực lượng chức năng 24/24 để ngăn chặn, hạn chế thương lái khu vực khác qua lại mua bán; đồng thời xử lý rất mạnh tay đối số khai thác và thu mua ươi xanh, cho nên nhiều người mua sợ không dám qua, chứ không thì người mua còn nhiều hơn nữa"- chị H tiết lộ.
Những chuyến "bay" đêm
Sau nhiều giờ cố gắng, 20 giờ tối, số ươi mà chị H thu mua được cũng đã được kha khá và tất cả đã được cột gọn gàng trên yên xe. Thế nhưng chị H và hàng chục người thu mua khác vẫn chưa muốn ra về mà tìm một nhà dân bên đường để nghỉ ngơi.
Chúng tôi thấy hơi lạ, vì đoạn đường trở về nhà còn rất xa, như biết được thắc mắc của chúng tôi, chị H nói nhỏ: Ươi bay thì giờ mình về cũng được, nhưng trong số ươi mình thu mua có ươi xanh nên đi về lúc này lực lượng kiểm tra mà phát hiện họ thu hết là lỗ vốn.
|
Thương lái chủ yếu vận chuyển vào đêm tối để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. |
"Thị trường "ăn mạnh" cả ươi bay, và ươi xanh nên không ít thương lái tranh nhau mua luôn cả ươi xanh. Mỗi bao (khoảng 50kg) vượt được "trạm" người đi buôn cầm chắc lãi không dưới 500 nghìn đồng, thế nên để tránh kiểm lâm và lực lượng chức năng, những người đi buôn ươi thường xuất phát vào lúc đêm khuya hoặc giữa trưa, lúc lực lượng chức năng nghỉ làm việc. Thậm chí, họ thường tìm cách đi vòng theo các ngõ đường vòng, đường tắt để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng"- chị H tiết lộ.
Đến khoảng 23 giờ đêm, sau vài cuộc điện thoại, nhận thấy tình hình đã "yên ổn", chị H cùng nhiều thương lái khác lập tức lên xe nổ máy vượt núi về nhà. Bất chấp màn đêm dày đặc và con đường quanh co ngoằn ngoèo, cùng hàng trăm ký ươi chở trên yên xe, dưới sự điều khiển của các tay lái lụa, những chiếc xe máy cứ thế nối nhau với tốc độ lên đến 60- 70km/h.
Trở về nhà vào lúc 2 giờ sáng, tiểu thương H tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những chuyến "bay đêm" tiếp theo.
Bảo Ngọc
Kỳ cuối: Rừng ươi kêu cứu!