(Báo Quảng Ngãi)- Xã Đức Hiệp (Mộ Đức) có trên 7.600 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Tuy nhiên, toàn xã chỉ có gần 250ha đất trồng lúa, nhưng diện tích đất manh mún, địa hình phức tạp, thu hoạch từ mùa vụ không cao… Chính nguyên nhân này đã tạo động lực để lãnh đạo xã có kế hoạch thay đổi cách nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân thông qua học nghề. Đức Hiệp cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức lớp học trồng lúa năng suất cao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bà Nguyễn Thị Chỉ ở thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp là một trong số 30 học viên của khóa học đầu tiên vào cuối năm 2012. Những lúc rảnh rỗi bà Chỉ thường hay xem lại những kiến thức đã học về nghề trồng lúa. Cùng với những kiến thức đã học được áp dụng vào thực tiễn và kinh nghiệm sản xuất, bà Chỉ cho rằng, việc lãnh đạo địa phương tổ chức học nghề trồng lúa năng suất cao là một chủ trương đúng đắn để người nông dân không còn lúng túng trước tình trạng bệnh và quá trình sinh trưởng của cây lúa. “Trước đây làm theo kinh nghiệm, giờ được học biết được nhiều thứ hơn, biết cách bón phân, bón thời điểm nào thì phù hợp, chứ còn không biết thì cứ bón theo thói quen thôi. Nhờ vậy năng suất tăng đáng kể”. Bà Chỉ chia sẻ.
Cánh đồng lúa Phú An, Đức Hiệp. |
Đưa tay chỉ về cánh đồng đang trong thời kỳ trổ bông, ông Nguyễn Văn Lãnh, thôn Nghĩa Lập cho biết: Bây giờ cây lúa đã ở thời kỳ trổ bông, còn hơn 20 ngày nữa là thu hoạch nhưng các bệnh sâu hại không nhiều. Vì qua lớp học do xã tổ chức mình biết được cách sử dụng phân bón rất hiệu quả và ít chi phí hơn. Chẳng hạn như dùng phân hỗn hợp chi phí một sào là 130 nghìn đồng, còn nếu dùng phân đơn thì tính toán giảm chi phí còn 80 nghìn/sào thì đó là cái lợi cho người nông dân. Hoặc như thấy lúa bị sâu bệnh thì ra đại lý họ bán thuốc cho mình thì họ bán bao vây hết, chi phí từ 25 – 30 nghìn, nhưng bây giờ biết bệnh thì chỉ cần mua 5-7 nghìn. Nhờ học lớp này mà người dân đã bỏ hẳn thói quen dùng lúa mùa vụ trước để làm giống vừa không đạt năng suất cao, vừa là nguyên nhân gây nhiều loại sâu bệnh, cỏ dại.
Cùng với những kinh nghiệm sản xuất từ nhiều năm qua, đến nay người dân ở xã Đức Hiệp được áp dụng những hiểu biết qua sách vở, bài học về trồng lúa năng suất cao, nhờ đó đã giúp người nông dân có nhiều kiến thức hơn để xử lý từng loại bệnh hại lúa xảy ra trên đồng ruộng. Bên cạnh, tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, người nông dân còn biết cách tính toán, giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động. Kết quả này còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Huỳnh Văn Như - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp cho biết: Ngày trước một số nông dân có quan niệm, làm lúa cần gì phải học. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, để cây lúa cho năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, các yếu tố như giống lúa tốt, đủ phân bón, nguồn nước tưới thì điều đặc biệt quan trọng để một ruộng lúa trĩu hạt, không sâu bệnh là người trồng lúa phải biết áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để điều khiển cây lúa sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện canh tác, góp phần tăng năng suất lúa.
Vì vậy, điều tất yếu là người nông dân phải học hỏi, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, về nghề trồng lúa. Đối với địa phương thuần nông, theo con số thống kê hằng năm vẫn còn tình trạng đói giáp hạt. Xét thấy đất đai nhiều, không phải là xấu nhưng thực tế chưa đạt đỉnh, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng chưa cao. Chính vì vậy, trong khi các địa phương khác chọn nghề may, điện tử, thú y... thì xã quyết định chọn học nghề trồng lúa cho năng suất cao. Bởi vì lớp học sẽ giúp nông dân nâng cao trình độ thâm canh cây lúa. Đồng thời giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học và giống mới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới để đạt 2 tiêu chí: Tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và tăng thu nhập từ sản xuất, trồng trọt.
Qua hai năm được học nghề trồng lúa năng suất cao, cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật người nông dân tự truyền nghề lẫn nhau nên vụ lúa đông xuân vừa qua đạt đỉnh trong nhiều năm qua. Nếu như trước năm 2012, năng suất lúa của xã chỉ đạt 65 tạ/ha, đến năm 2013 đã đạt 67 tạ/ha, đặc biệt vụ đông xuân vừa qua đạt 70 tạ/ha, cá biệt có 40ha đạt 90 tạ/ha, có 50ha đạt 100 tạ/ha. Rõ ràng những kiến thức đã học được vận dụng trong quá trình sản xuất chắc chắn ít nhiều đã tác động tích cực, nhất là việc giảm hộ nghèo. Hiện nay toàn xã chỉ còn 174 hộ nghèo (giảm 150 hộ). Kết quả này phần lớn nhờ vào sự linh động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền xã Đức Hiệp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Thuận