Trợ lực ngư dân vươn khơi bám biển

08:07, 08/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bao đời cha ông bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày nay, ngư dân Quảng Ngãi vẫn thế, bởi vùng ngư trường truyền thống ấy đã thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương. Để giúp ngư dân vững vàng nơi đầu sóng, Quỹ Hỗ trợ ngư dân và Nghiệp đoàn nghề cá luôn đồng hành cùng họ…

TIN LIÊN QUAN

Đưa tàu vỏ thép vươn khơi

Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi được thành lập vào cuối năm 2011. Ngay sau khi ra đời, Quỹ đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy để làm cầu nối cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi. Nhờ đó, Quỹ đã tiên phong trong việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép hành nghề ở các ngư trường xa.

Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 là một trong những mẫu tàu được tham khảo để lấy mẫu đóng tàu vỏ thép hỗ trợ cho ngư dân.   Ảnh: N.K
Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 là một trong những mẫu tàu được tham khảo để lấy mẫu đóng tàu vỏ thép hỗ trợ cho ngư dân. Ảnh: N.K


 Ngư dân Quảng Ngãi vốn có truyền thống đánh bắt hải sản, tàu thuyền hoạt động dọc dài trên khắp các vùng biển trong cả nước, từ vịnh Bắc Bộ cho đến Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tất cả tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đều là tàu vỏ gỗ. Vốn có ưu điểm là dễ đóng, dễ quản lý, vận hành, giá thành rẻ, nhưng loại tàu này có nhược điểm là độ an toàn không cao, dễ bị phá nước, vỡ chìm do va đập khi sóng to gió lớn. Khả năng hoạt động trên biển của tàu vỏ gỗ cũng bị hạn chế và có tuổi thọ thấp mà lại sử dụng lượng gỗ tự nhiên lớn, làm tăng nguy cơ phá rừng. Chính vì vậy, ngày 29.11.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1787/QĐ-TTg về việc ban hành chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi.

  Việc triển khai chính sách này đối với ngư dân trong nước nói chung và ngư dân Quảng Ngãi nói riêng là rất mới mẻ. Trong khi ngư dân chưa đủ khả năng và chưa mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc sử dụng nguồn vốn đã huy động được để đóng tàu vỏ thép hỗ trợ cho ngư dân. Trong năm 2014 Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã tiến hành đóng 2 tàu đánh cá vỏ thép. Mỗi tàu dài khoảng 25m, công suất máy chính từ 700-900 CV/tàu. Vỏ tàu, máy tàu và các trang thiết bị gắn liền với tàu thuộc nguồn vốn của Quỹ khoảng 7 tỷ đồng/tàu và ngư dân thuê tàu đóng góp thêm khoảng 1,2-2 tỷ đồng/tàu để mua sắm ngư lưới cụ...

  Loại tàu được chọn đóng là tàu làm nghề lưới rê, lưới vây hoặc chụp mực là những nghề trong mấy năm gần đây ngư dân Quảng Ngãi làm ăn rất hiệu quả tại các ngư trường xa. Vỏ tàu được chọn đóng bằng loại thép tốt, bảo đảm cho con tàu hoạt động an toàn, hiệu quả trong khi hành nghề ở các ngư trường xa. Dự kiến đến cuối năm nay 2 con tàu võ thép đầu tiên của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi sẽ được đóng xong và bàn giao cho ngư dân quản lý sử dụng theo phương thức hợp đồng thuê mua tàu. Sau 11 năm, khi trả hết vốn gốc, tài sản là con tàu thuộc sở hữu của người thuê.

 Ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho biết: “Từ bao lâu nay ngư dân Quảng Ngãi luôn mơ ước có được con tàu vỏ thép để khi hành nghề ở các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa có thể chống chọi được với hiểm nguy và thu được nguồn lợi lớn, nhưng chưa đủ khả năng nên đành chịu. Giờ có Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi bảo hộ cho họ có được những con tàu vỏ thép đúng như mơ ước nên ngư dân rất phấn khởi tiếp nhận”. Ông Toàn cho biết thêm: “Mới đây, ngày 8.6.2014, Hội Doanh nhân Quảng Ngãi tại TPHCM đã cam kết hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi 3,5 tỷ đồng và Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi sẽ chi ra 3,5 tỷ đồng để đóng tiếp con tàu vỏ thép thứ 3 hỗ trợ cho ngư dân”.

  Việc Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi hỗ trợ cho ngư dân bằng những con tàu vỏ thép hiện đại để đánh bắt xa bờ là việc làm có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh cá xa bờ của Quảng Ngãi theo mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Sát cánh cùng ngư dân

Thời gian gần đây, ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc cản trở. Do đó, Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) ra đời đã trở thành chỗ dựa tinh thần, trợ lực cho những đoàn viên là ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản.

Liên đoàn Lao động tỉnh trao bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho các ngư dân Lý Sơn.                                                                                                                                      Ảnh: BS
Liên đoàn Lao động tỉnh trao bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho các ngư dân Lý Sơn. Ảnh: BS


Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: Ngày 15.9.2011, tỉnh ta thành lập NĐNC đầu tiên tại xã An Hải (Lý Sơn). Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 8 NĐNC, với trên 3.500 đoàn viên của hàng trăm tàu cá ở các địa phương trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm phát triển gần 1.300 đoàn viên. Các NĐNC là đại diện hợp pháp cho người lao động nghề cá, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cũng như kịp thời hỗ trợ ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển. Do đó, khi gia nhập NĐNC, các ngư dân được tiếp thêm sức mạnh, an tâm vượt sóng ra khơi bám biển. Ngư dân khi vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản xa bờ ngày nay biết rằng đứng sau họ là cả hệ thống Công đoàn ủng hộ và đồng hành, trợ lực cho họ.

Đặc biệt, 3 năm qua, thông qua chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, “Quỹ tấm lòng vàng Người lao động”,… đoàn viên các nghiệp đoàn đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của đông đảo đoàn viên, cán bộ CNVC-LĐ trong cả nước.
 

Dồn tâm huyết cho ngư dân bám biển

(Báo Quảng Ngãi)- Để tiếp sức cho ngư dân Quảng Ngãi đang ngày đêm bám biển trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã tiếp nhận hơn 39 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức ở khắp nơi trong nước. Cảm động nhất là cán bộ công nhân viên, giáo viên ngành giáo dục thuộc các huyện miền núi của tỉnh cũng đã chia sẻ với ngư dân Quảng Ngãi, bằng việc thông qua Quỹ, mỗi người ủng hộ một  ngày lương của mình.

Ngư dân Nguyễn Năm, đoàn viên NĐNC xã An Hải cho biết: “Việc thành lập NĐNC đã kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn với ngư dân. Vào NĐNC, tất cả anh em đều đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng làm ăn trên biển, kiên quyết đạp sóng vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam dù cho phía Trung Quốc luôn ngang ngược gây sự, ngăn cản, đâm va tàu, trấn áp lấy và đập phá tài sản của ngư dân Lý Sơn”.

Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch NĐNC xã An Hải khẳng định: Vào nghiệp đoàn, các đoàn viên được  tập huấn ATLĐ, tập huấn sơ cấp cứu, được hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu. Riêng đối với thân nhân của những ngư dân gặp nạn và tử nạn trên biển, NĐNC có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ ổn định đời sống, con cái của họ có điều kiện đến trường, tiếp bước cha anh lập nghiệp trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Trần Ngọc Úc - Chủ tịch NĐNC xã Phổ Vinh (Đức Phổ)cho biết: Trước đây chưa thành lập NĐNC thì các ngư dân mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên, vừa thành lập nghiệp đoàn (21.6.2014) đã có 208 ngư dân đánh bắt cá trên 25 tàu viết đơn xin gia nhập NĐNC. Vừa gia nhập NĐNC, các ngư dân và chủ tàu được Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng của Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng 265 triệu đồng để đầu tư lắp thiết bị trạm bờ và 230 triệu đồng mua bảo hiểm cho 25 tàu cá và bảo hiểm thuyền viên cho 208 ngư dân khiến ai cũng vui mừng. “Được hỗ trợ như thế này, ngư dân rất ấm lòng trước mỗi chuyến ra khơi. Ngư dân Phổ Vinh giờ đây không còn cảm thấy đơn độc khi hành nghề trên biển nữa mà xung quanh lúc nào cũng có đồng đội là đoàn viên các NĐNC trong và ngoài tỉnh hỗ trợ”- ông Úc khẳng định.

“Việc NĐNC được thành lập và hoạt động hiệu quả đã tập hợp, đoàn kết lao động nghề cá, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ngư dân; đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo. Các NĐNC còn là nơi để ngư dân chia sẻ khó khăn, vất vả, rủi ro, bất trắc trong cuộc sống, lao động hằng ngày trên biển...

 

NGUYỄN KHÂM - BÁ SƠN
 


.