(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các gói thầu đã hoàn thành trong năm 2012 -2013, đầu tháng 7 này, gói thầu 7a,b,c thuộc Dự án đê kè Hòa - Hà đã bắt đầu thi công. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống triều cường phục vụ sản xuất và bảo vệ an toàn cuộc sống người dân hai xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) và Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) trước những biến đổi khí hậu.
Mặc dù chưa nhận tiền hỗ trợ đền bù, nhưng hồ tôm của gia đình ông Phạm Hữu Tâm ở thôn Thu Xà không thả nuôi từ đầu năm đến nay. Gần 5 sào đất nuôi trồng thủy sản của ông nằm trong diện thu hồi để thi công công trình đê kè Hòa - Hà. Ông Tâm cho biết, chính quyền đã thông báo và mong người dân tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, để sớm hoàn thành trước mùa mưa lũ. Nên dù chưa nhận tiền đền bù, nhưng họ sẵn sàng giao mặt bằng và rất vui vì đây là công trình của dân. Là người dân gắn bó lâu năm bằng nghề nuôi trồng thủy sản nên ai cũng thấy được lợi ích từ cái kè này. “Mấy năm trước, mỗi khi có lũ tiểu mãn tràn về (đầu tháng 5 âm lịch) thì hầu như tôm bị trôi hết. Nay có kè người dân yên tâm sản xuất, làm giàu chứ”, ông Tâm bộc bạch.
Đơn vị thi công công trình đê kè Hoà- Hà. |
Còn đối với ông Võ Tiên Sanh thì đang cho thu hoạch sớm vụ tôm để bàn giao cho đơn vị thi công. 4 sào đất được ông thuê từ đầu năm nay để nuôi trồng thủy sản, nhưng giờ buộc phải trả lại. Ngoài số tiền 25 triệu đồng mua con giống, công cán, chi phí nhưng giờ thu được hơn 5 triệu đồng. “Tuy thu non, nhưng được Nhà nước hỗ trợ 1 vụ là 30 triệu đồng nên khỏi lỗ vốn. Tiếc thì có tiếc, nhưng nói thật là rất vui mừng, vì tuyến đê bao này khi hoàn thành người dân hưởng lợi rất nhiều. Ngoài việc ngăn mặn, giữ ngọt, nó còn làm cho bộ mặt nông thôn mới ở Nghĩa Hòa thay đổi diện mạo đáng kể.
Công trình đê kè Hòa - Hà có tổng chiều dài toàn tuyến 4.982m, thuộc 2 xã Nghĩa Hòa và Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư trên 168 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình “Củng cố nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang” được Chính phủ phê duyệt đầu tư kinh phí. Dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư và sẽ hoàn thành trong năm 2014. Đồng chí Huỳnh Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết: Gói thầu 7a thuộc dự án đê kè Hòa - Hà được triển khai tại xã Nghĩa Hòa có diện tích đất bị thu hồi trên 7.818m2. Trong đó có 221m2 đất trồng cây lâu năm và gần 7.600m2 đất hồ tôm với khoảng 10 hộ.
Tổng giá trị bồi thường và tổ chức hỗ trợ bồi thường là 2,5 tỷ đồng. Vừa qua, các đơn vị liên quan cũng đã thống nhất phương án đền bù và đã công khai đến dân. Điều đáng mừng là người dân rất thuận tình với phương án này và cho rằng cách tính bồi thường của Nhà nước là phù hợp với nguyện vọng của người dân. Chính vì vậy dù chưa hộ nào nhận được tiền đền bù nhưng họ cho biết sẵn sàng hợp tác với chính quyền và đơn vị thi công để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công sớm hoàn thành trước mùa mưa năm nay.
Những năm gần đây, do tác động mạnh mẽ của thiên tai, xói lở nên tuyến đê kè Hòa - Hà gần như xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề an toàn thủy sản cho các hộ nuôi tôm. Hiện nay, toàn xã Nghĩa Hòa có trên 220 hộ nuôi tôm với diện tích 82 ha. Vì tính cấp thiết đó, cùng với sự biến đổi khí hậu, nên người dân rất đồng tình ủng hộ khi đơn vị chủ đầu tư tiến hành thi công công trình. Bởi nó không chỉ giúp người dân chủ động ứng phó với hạn, mặn vào mùa khô, nhất là tình trạng thất thường về thời tiết do biến đổi khí hậu mà còn bảo vệ an toàn thủy sản cho người nuôi tôm địa phương.
Đồng chí Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bên cạnh triển khai chương trình “Củng cố nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang” của Chính phủ, sắp tới Sở sẽ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt tại xã Đức Lợi (Mộ Đức) với tổng mức đầu tư 66,6 tỷ đồng. Dự án này thuộc Dự án Quản lý thiên tai do Ngân hàng Thế giới tài trợ, trong đó vốn vay WB là 52,1 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách tỉnh đối ứng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014-2016. Sở đã chỉ đạo tập trung hoàn thành thân đập trong năm nay nhằm ngăn mặn xâm nhập vào các cánh đồng sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng tiêu thoát lũ và hạn chế tình trạng ngập lụt kéo dài trong vùng dự án, đồng thời kết hợp làm giao thông nội vùng cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: THANH THUẬN