Lý Sơn: Nỗi lo cũ trong vụ mới

04:07, 09/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã nhiều tháng qua, trên huyện đảo Lý Sơn không có mưa. Nắng gắt đã làm nhiều giếng khơi khô hạn, hoa màu trên các cánh đồng héo úa. Nông dân Lý Sơn đang đối mặt với nỗi lo “thường trực” mỗi khi đảo gặp hạn...

TIN LIÊN QUAN

Nỗi lo xuống giống     

Ở Lý Sơn trung bình mỗi khẩu chỉ có 120m2 đất sản xuất. Thế nên quanh năm, bà con phải luân canh trồng hoa màu “không cho đất nghỉ”. Vừa mới thu hoạch vụ hành, bà Lê Thị Hoa ở thôn Đông, xã An Hải đã chuẩn bị phân, đất xuống giống vụ hành mới. Gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, bà thở dài: Nắng nóng khắc nghiệt quá, giếng cạn, đất khô trắng, nhưng phải lo xuống giống cho kịp thời vụ hành mới. Nhà có 6 miệng ăn, hai con đầu học xa nhà, bỏ trỗi một vụ là thiếu gạo nấu cả vụ.

 

Đồng khô, hoa màu cháy, hằng ngày nông dân Lý Sơn phải  vất vả kéo dây, vây quanh các giếng khơi lấy nước cứu hoa màu.
Đồng khô, hoa màu cháy, hằng ngày nông dân Lý Sơn phải vất vả kéo dây, vây quanh các giếng khơi lấy nước cứu hoa màu.


Vụ vừa qua, với hơn 1 sào đất trồng hành, bà Hoa chăm sóc đủ cách nhưng chỉ thu về 400kg hành tươi, với giá bán trên 10.000 đồng/kg, nên tính không có lãi. Bây giờ, bước vào vụ mới bà phải cải tạo đất, bón phân, tưới nước liên tục mới kỳ vọng có thu nhập cao để nuôi các con. Chi phí, công sức, đổ xuống vụ hành trong mùa hạn khá nhiều, nên sau khi đặt củ hành giống trong lòng đất, bà Hoa tính đến chuyện tưới nước cho cây hành. Bà bảo, nếu giếng không có nước thì huy động bà con đào thêm giếng, tưới luân phiên, chứ không thể để đồng đất trắng.

Trên khắp các cánh đồng An Hải, An Vĩnh, bà con người tiếp tục đổ những ụ đất, cát trắng, phân hữu cơ từ lá hành, lá tỏi, người kéo dây ống dẫn nước vào ruộng để tưới đất, tưới cây. Chị Dương Thị Tiền, thôn Đông, xã An Hải, cho biết, muốn ruộng hành đạt năng suất cao, ngoài việc tìm nguồn nước tưới để làm đất, tưới cây thì việc cải tạo đất cho vụ xuống giống mới là rất cần thiết. Vì mỗi lần cải tạo đất, cây hành cho củ xum xuê. Năm nay, chân ruộng của chị Tiền đã đến kỳ thay đổi, cải tạo đất nên chị chuẩn bị rất kỹ. Từ khâu bón phân lót đến rải lớp đất thịt, trồng hành rồi rải lớp cát trắng trên mặt chị đều tính toán số lượng vừa phải.

 “Oằn mình” chống hạn

Bên cạnh xuống giống vụ mới, nhiều ruộng đậu, bắp ở những cánh đồng thôn Đông, thôn Tây xã An Hải, An Vĩnh trồng theo cách xen canh cũng chưa đến kỳ thu hoạch. Nắng nóng kéo dài thời gian qua làm cho hoa màu ở các cánh đồng này héo úa. Từ sáng sớm, trên các cánh đồng, bà con người khuân dây, người bắt điện, tưới nước cho hành, đậu, dưa. Ông Nguyễn Quốc Dũng, đang kéo đoạn dây dài hàng chục mét để tưới cho ruộng hành của mình, bảo: Nắng nóng khắc nghiệt quá. Cả mấy tháng ròng ở đất đảo chưa có giọt mưa. Hơn 1 sào hành đã đến thời kỳ cho củ, nhưng đất khô quá, phải kéo dây tưới nước liên tục để may đâu có cái thu hoạch.  

Ở cạnh ruộng ông Dũng, hơn 350m2 ruộng hành của ông Nguyễn Hùng cũng đang trong giai đoạn “khát nước”. Ròng rã suốt tháng qua, ngày hai buổi ông đều có mặt trên đồng tưới nước cho cây. Ông Hùng bảo rằng: Tưới nước thế này, trồng hành có lợi lộc gì đâu. Một ngày vị chi cho việc tưới nước cũng mất gần 2 lít dầu, tính ra mất hơn 30.000 đồng. Nhưng, đã trồng thì phải theo, chứ không thể bỏ ruộng cháy.

Ở Lý Sơn, trong những năm gần đây nắng nóng càng gay gắt hơn. Trên các cánh đồng bà con đã đào giếng trải đều bên các góc ruộng để chống hạn. Năm nay, nắng hạn đến sớm hơn mọi năm, nên gần 2 tháng nay, cứ bắt đầu một ngày mới, ở các giếng khơi chật ních người, mô tơ, dây kéo nước được bày trên các thành giếng la liệt. Nhiều giếng khơi ở đồng cạn trơ đáy, bà con phải tưới ướt ráo, luân phiên. Nhiều nông dân ở Lý Sơn thở dài: Nắng hạn kéo dài, trồng cây gì cũng thất thu. Dưa hấu cho trái không lớn, đậu xanh lép hạt, hành héo lá…Giá cả lại hạ dài, nông dân đang điêu đứng.  

Bài, ảnh: T.AN- X.DIỆU
 


.