(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị thiên tai cướp đi tài sản, hay bị tàu Trung Quốc vây ráp, tịch thu ngư lưới cụ, gây thương tích... thế nhưng, với ngư dân thì “còn sống là còn đi biển”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Can trường bám biển
Lão ngư Nguyễn Văn Tẩn, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn) là một trong những ngư dân can trường bám biển có tiếng ở xứ biển Bình Châu. Lão ngư Tẩn bảo rằng: “Dạo này Trung Quốc làm căng quá. Nó kè ép, vây ráp, phá mình, không cho tàu mình đánh bắt. Mình phải đợi đến tối, tắt hết đèn rồi tiến vô. Dù mất nhiều thời gian, công sức và nhiên liệu, sản lượng khai thác không nhiều, lỗ tổn... nhưng mình không sợ. Mình không thể bỏ biển được, vì đó là nơi mưu sinh và vì Hoàng Sa là chủ quyền của nước mình. Vì vậy đợt này tôi cho tàu cập bến để làm lại máy rồi tiếp tục ra Hoàng Sa”.
Lão ngư Nguyễn Văn Tẩn vẫn giữ gìn cẩn thận cây cần dò - vật đã giúp ông thoát chết trong cơn bão số 1, năm 2010. |
Nói về nghiệp đi biển của mình, ông Tẩn kể cả ngày không hết chuyện. Thế nhưng, điều làm ông nhớ nhất vẫn là lần suýt mất mạng trong cơn bão số 1, năm 2010. Cơn bão ấy đã cướp đi toàn bộ tài sản và sinh mạng của 2 ngư dân trên chiếc tàu mang số hiệu QNg 55940-TS do ông làm chủ. May mắn sau 14 giờ lênh đênh trên biển, ông cùng 7 ngư dân còn lại đã trôi dạt đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và thoát chết. “Cũng nhờ có cây cần dò để bám vào (vật dụng để dò luồng cá) chứ không thì tôi chết chắc rồi!”, lão ngư Tẩn nhớ lại.
Sau đợt ấy, ông Tẩn mất hết vốn liếng với tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng, sinh mạng coi như được lấy lại từ tay thần chết. Những tưởng trải qua lần thập tử nhất sinh ấy, lão ngư Nguyễn Văn Tẩn sẽ “giải nghệ” cuộc đời ngư phủ của mình. Thế nhưng, ngược lại, chưa đầy một năm sau đó, lão ngư này đã tích góp vốn liếng và vay mượn rồi mua lại một chiếc tàu khác, cải hoán lên 190CV và tiếp tục ngư trường Hoàng Sa thẳng tiến.
Không chỉ riêng ông Tẩn mà hàng trăm ngư dân khác ở Bình Châu cũng bất chấp mọi hiểm nguy để bám giữ ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa; đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng chứng là sau mỗi lần gặp nạn, nhiều ngư dân bị mất hết tài sản nhưng rồi họ lại nỗ lực vươn lên, đóng tàu công suất lớn để vươn khơi. Và những cái tên như Dương Minh Quang, Nguyễn Thanh Miên, Trương Tày… đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân xứ biển Bình Châu.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta thì hành động ngang ngược của họ cũng ngày càng hung hăng, lộ liễu. Biết bao tàu cá của ngư dân đã bị tàu Trung Quốc lấy lưới cụ, phá hoại, thậm chí là đâm chìm tàu. Thế nhưng, ngư dân của ta vẫn can trường bám biển. Đối với họ, còn sống là còn bám biển mưu sinh, còn đến với ngư trường truyền thống.
Con nối nghiệp cha
Ở Bình Châu, số lượng phụ nữ góa chồng rất nhiều. Trong số đó có nhiều phụ nữ còn rất trẻ. Bởi đặc trưng nghề nghiệp hiểm nguy rình rập, nên những người vợ có chồng đi biển đều biết rằng, họ có thể trở thành góa phụ.
Mặc dù chồng đã nằm lại Hoàng Sa cách đây 4 năm trong cơn bão số 1, năm 2010, nhưng mỗi lần thắp nén hương cho chồng là nước mắt của chị Nguyễn Thị Xứ (43 tuổi), thôn Châu Thuận Biển lại rơi. Chồng chị Xứ và 10 ngư dân khác đã vĩnh viễn nằm lại ngoài biển khơi. Anh ra đi để lại chị ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học cùng đống nợ từ căn nhà mới xây chưa trả hết. Nuốt nước mắt vào trong, chị quần quật làm lụng để nuôi con, trả nợ, cuộc sống vô cùng chật vật.
Từ ngày cha chết, không có tiền để tiếp tục đến trường, đứa con trai duy nhất của vợ chồng chị Xứ đang học lớp 10 đành phải nghỉ học, theo các chú ra Hoàng Sa đánh cá để phụ mẹ có tiền nuôi em. “Mỗi lần ra đến Hoàng Sa, đi ngang qua vùng biển mà cha em đã nằm lại, mấy chú mấy bác thường hay nhắc: “Đó, cha con nằm lại ở chỗ đấy!”. Những lần như vậy cổ em nghẹn lại. Nhưng em không sợ hãi, vì em nghĩ, đã là ngư dân thì phải can trường. Bám biển là nghề của cha ông để lại và em cũng sẽ như vậy dù hiểm nguy có rình rập phía trước”, em Phạm Văn An chia sẻ.
Ngoài Phạm Văn An, ở Bình Châu còn rất nhiều ngư dân tuổi đời tuy mới chỉ mười tám, đôi mươi nhưng cũng đã nối nghiệp cha ra Trường Sa, Hoàng Sa. Bao đời bám biển, sống nhờ vào biển. Đại dương mênh mông ôm ấp, nuôi sống bao đời ngư dân. Cũng bởi vậy, sau khi gặp nạn, ngày hôm sau họ lại ra khơi là chuyện thường tình.
Bài, ảnh: HỒNG HOA