(Báo Quảng Ngãi)- Đã bao năm qua, Agribank Quảng Ngãi luôn là bạn đồng hành cùng “tam nông”. Nay, trước “sóng gió” ở Biển Đông, hệ thống ngân hàng Agribank Quảng Ngãi đã tập trung nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính cho vay ở lĩnh vực ngư nghiệp để bà con ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay đóng mới tàu thuyền.
Khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Lý Sơn. Hiện nay, dù cho Trung Quốc có ngang ngược gây hấn và chặn đường ra khơi của ngư dân, ngư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn một lòng bám biển. Toàn huyện có khoảng 22.000 người thì có khoảng 8.360 người sinh sống bằng ngư nghiệp, chiếm 38% tổng số dân trên đất đảo. Lý Sơn có trên 420 tàu thuyền, với công suất trên 47.000 CV, đa số xem Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống để đánh bắt.
Nguồn vốn Ngân hàng Agribank đã giúp ngư dân Lý Sơn nâng cấp, đóng mới tàu lớn vươn khơi. |
Vì vậy, trước “sóng gió” Biển Đông buộc ngư dân phải cải hoán, nâng cấp, đóng mới và trang thiết bị máy móc hiện đại để con tàu vững chắc tiếp tục vươn khơi, đánh bắt và bảo vệ chủ quyền. Nguồn vốn đóng mới cho một con tàu có công suất lớn mất hàng tỷ đồng. Và Agribank Lý Sơn đã trở thành “địa chỉ tiếp vốn”, đáp ứng nhu cầu cho ngư dân. Đến đầu tháng 5.2014, chi nhánh Agribank Lý Sơn đã cho vay tổng dư nợ hơn 40 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, trong đó ngư nghiệp vay 25 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng dư nợ.
Giám đốc Ngân hàng Agribank Lý Sơn Võ Phú Tài, cho hay: Thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ – CP của Chính phủ, ngân hàng đã tập trung vốn cho “tam nông”. Kể từ ngày Trung Quốc gây hấn trên vùng biển nước ta, ngân hàng đã đặc biệt chú trọng cho vay ở lĩnh vực ngư nghiệp. Dư nợ những tháng đầu năm ở lĩnh vực này tăng lên đáng kể.
“Theo Nghị định 41, nếu không có tài sản đảm bảo, ngân hàng chỉ cho vay cá nhân theo tín chấp là 50 triệu đồng, HTX cho vay tối đa từ 200 – 500 triệu đồng. Quy định ràng buộc này nên ngân hàng phải linh hoạt xét cho các đối tượng cùng đi trên một con tàu vay theo tín chấp, với chủ tàu thì được vay theo tài sản đảm bảo là con tàu, nên tổng số tiền được vay mới đủ đóng mới một con tàu, giải quyết được nhu cầu vốn cho ngư dân” – ông Võ Phú Tài cho biết thêm.
Ngoài cho vay theo Nghị định 41, Chi nhánh Agribank Lý Sơn đã thực hiện Quyết định 1787 của Chính phủ cho vay đóng tàu vỏ thép. Ngân hàng đã ký kết giải ngân 80% tổng giá trị con tàu vỏ thép là 23 tỷ đồng cho Công ty cổ phần thủy sản Lý Sơn thực hiện. Đến nay, ngân hàng đã thực hiện vốn khoảng 40 – 50%. Từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung vốn để giải ngân hoàn thành chỉ tiêu.
Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Quảng Ngãi Lê Hồng, cho biết: Trong điều kiện hiện nay, không chỉ ở Lý Sơn mà cả hệ thống ngân hàng Agribank từ trung ương đến địa phương, bên cạnh tập trung nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thì đã ưu tiên nhiều nguồn vốn lớn cho lĩnh vực ngư nghiệp. Tổng dư nợ cho vay ở lĩnh vực ngư nghiệp đến tháng 5 lên đến trên 500 tỷ đồng, với gần 7.300 khách hàng vay. Dư nợ ở lĩnh vực này tập trung ở huyện Lý Sơn, Đức Phổ và Bình Sơn.
Ông Hồng khẳng định: Ngoài đảm bảo nguồn vốn cho vay, ngân hàng đã cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các hồ sơ ngư nghiệp nhanh, gọn để ngư dân tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất. Ngoài ra, ngân hàng đã chuẩn bị nguồn tiền để khi Chính phủ có quyết định chính thức hỗ trợ ngư dân vay lãi suất thấp để đóng mới tàu gỗ công suất lớn hay tàu vỏ thép thì ngân hàng triển khai ngay. Ở lĩnh vực hỗ trợ lãi suất thấp cho ngư dân, hệ thống ngân hàng Agribank bố trí khoảng 5.000 tỷ đồng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN