(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi quyên góp được hơn 10.000 lít dầu diezen, Báo An ninh Thủ đô đã đến đảo Lý Sơn trao trực tiếp cho ngư dân vào sáng 6.6. Kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Lý Sơn đã nhận được nhiều sự sẻ chia của nhiều cá nhân, tổ chức ở mọi miền Tổ quốc, trị giá hơn 5,5 tỷ đồng để tiếp sức cho ngư dân kiên cường bám biển.
Của ít lòng nhiều
Mặt trời vừa ló dạng. Nắng nóng gay gắt nhưng trên suốt hành trình 18 hải lý ra đảo Lý Sơn, câu chuyện về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta vẫn được bàn luận liên tục trong đoàn thiện nguyện do Tổng Biên tập báo An ninh Thủ đô Đào Lê Bình làm trưởng đoàn. Khi quyên góp được 240 triệu đồng, quy đổi ra gần 10.000 lít dầu diezen, ông Bình cùng với các doanh nghiệp vượt cả ngàn kilômét để đến gặp gỡ, động viên và trao trực tiếp món quà ý nghĩa cho ngư dân Lý Sơn.
Ngư dân Lý Sơn nhận quà từ các tấm lòng hảo tâm ở mọi miền đất nước. |
Trong đó, Văn phòng đại diện ngân hàng Viettinbank Đà Nẵng hỗ trợ 100 triệu đồng, các doanh nghiệp ở Hà Nội và Báo An ninh Thủ đô hỗ trợ 140 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn cũng đã trao 4 máy vi tính cho Huyện ủy, UBND huyện và các lực lượng đóng quân trên đảo Lý Sơn. Ông Bình và doanh nghiệp đi cùng đoàn tâm sự: "Chúng tôi luôn tâm niệm của ít lòng nhiều. Miễn rằng được gặp bà con để động viên họ an tâm bám biển, là chúng tôi vui rồi".
Trên 40 ngư dân có mặt ở hội trường UBND huyện Lý Sơn để nhận quà, có người trực tiếp bám biển, người là cha, mẹ, anh chị em có chồng, con đi biển đã gặp nạn, khó khăn trong thời gian qua đều lộ rõ niềm vui. Ngư dân Đặng Văn Lai (thôn Tây, xã An Vĩnh), bộc bạch: "Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của nước ta, cản trở ngư dân chúng tôi đến ngư trường truyền thống Hoàng Sa đánh bắt khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhưng được bà con cả nước chia sẻ, hỗ trợ, chúng tôi rất cảm động, an tâm bám biển".
Kiên trì bám biển
Trên gương mặt đượm buồn, ngư dân Đặng Ngọc Lễ (con của ngư dân Đặng Dùm vừa mất do bị tàu lạ đâm chìm), ở thôn Tây xã An Vĩnh vẫn khảng khái: "Dù gặp nhiều trở ngại, bất trắc ở Biển Đông chúng tôi vẫn quyết một lòng bám biển. Bởi, Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường của cha ông.
Hằng năm, trong dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đứng trước tiên linh, mỗi ngư dân đất đảo đã nguyện với lòng bám biển, đảo quê hương đến cùng”. Gia đình anh Lễ có 5 anh em, nhưng có 3 người đi biển cùng cha trên một con tàu. Giờ, tàu mất, cha mất, mọi nỗi lo đè trên đôi vai của ba anh em đã lập gia đình, cùng lo cho mẹ và mấy em. Vì vậy, khát khao ra khơi của anh Lễ lớn hơn bao giờ hết, bởi sẽ vừa giải quyết kinh tế gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng khó khăn của anh là chưa có điều kiện đóng lại tàu mới.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Toàn huyện hiện có 426 tàu cá, với công suất trên 47.000CV, với trên 3.100 lao động, hầu hết đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 2009, mà gần đây nhất là từ tháng 5 đến nay, Trung Quốc thường xuyên cản đường, tấn công, đập phá tàu của ngư dân, nhưng bà con vẫn kiên quyết bám biển. Bởi, ai cũng ý thức rằng đó là ngư trường truyền thống của ông cha ta, nên quyết ra khơi đánh bắt để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. 5 tháng đầu năm, ngư dân Lý Sơn đã khai thác đạt trên 15.000 tấn hải sản, tăng 11,5 % so với cùng kỳ năm trước.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN