(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ còn đang dự thảo, nhưng ngư dân vẫn khấp khởi mừng và hy vọng nó sẽ sớm được thực thi để những con tàu của họ to hơn, vươn khơi xa bám biển dài ngày hơn…
Theo dự thảo, ngư dân có thể vay vốn với lãi suất 3%/năm trong thời hạn 10 năm, ân hạn một năm, tổng cộng 11 năm. Người vay có thể thế chấp thân tàu và thân tàu được bảo hiểm. Khi rủi ro xảy ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc biệt; nếu rủi ro do khách quan thì sẽ xử lý theo hướng để người dân không bị thiệt nhằm giúp họ yên tâm tiếp tục ra khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Muốn đổi tàu lớn nhưng ngại vay vốn
Gắn bó với con tàu có công suất 225 CV, hành nghề lưới rê từ nhiều năm nay, ngư dân Ngô Đình Nguyên ngụ xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ rằng, mơ ước của ông là muốn đổi tàu, nâng công suất máy từ 225CV lên trên 500 CV. Lý giải sự cải tạo tàu theo hướng nhảy vọt này, ông Nguyên bảo: “Bây giờ đánh bắt khó khăn, phải tàu to mới ra biển lớn, ở dài ngày thì mới kiếm được những loại thủy hải sản giá trị. Với lại mỗi lần đóng mới, sửa chữa là một lần khó. Mình làm luôn thể”.
Những con tàu công suất lớn sắp hạ thủy. |
Thế nhưng để thực hiện ước mơ trên, ngư dân Ngô Đình Nguyên vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu như thế nào vì… thiếu vốn! Bởi, giá thành đóng mới chiếc tàu công suất 500 CV hiện không dưới 7 tỷ đồng, còn nâng cấp tàu từ 225 CV lên 500 CV cũng tiêu tốn vài ba tỷ đồng. Số tiền này quá lớn đối với những ngư dân nghèo như ông Nguyên. Còn chuyện vay vốn ngân hàng, theo ông Nguyên, những ngư dân làm ăn nhỏ không có gì thế chấp để ngân hàng cho vay 2 - 4 tỷ đồng, bằng 50% giá trị con tàu.
Còn ngư dân Võ Đình Min, ngụ xã Phổ Quang (Đức Phổ) cũng không giấu ước muốn “có tàu to” để thay thế con tàu công suất 270 CV đang hành nghề lưới rê. Nhưng cũng như ông Nguyên, ông Min vẫn đau đáu với câu hỏi “Tiền đâu để đóng tàu lớn?”. Dù có thế chấp tài sản cho ngân hàng vay với lãi suất 11%/năm, thì số tiền vay ấy cũng chỉ đủ để đầu tư cho con tàu có công suất từ 500 CV trở lên; còn ngư lưới cụ, máy móc? “Liều vay “nóng” cũng được, nhưng nhiều lần suýt phải xa biển vì vay kiểu ấy nên giờ tôi cạch rồi”, ông Min trải lòng.
Đồng quan điểm này, Giám đốc HTX đóng tàu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi) Phan Như Huỳnh cũng bảo rằng: “Dù muốn đóng tàu lớn, nhưng không phải ngư dân nào cũng đủ lực”. Lý do, một là ngân hàng không tin tưởng năng lực về tài chính, tay nghề và con người của chủ tàu nên nhiều trường hợp, Ban Giám đốc HTX phải đứng ra bảo lãnh. Hai là thủ tục vay vốn lắm lúc còn rườm rà khiến ngư dân nản, đành tìm đến đầu nậu để vay “nóng” với lãi suất rất cao.
Vì những chuyến vươn khơi
Khi nghe thông tin Chính phủ chuẩn bị ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, ông Phan Như Huỳnh hồ hởi: “Nếu được thực thi, đây đúng là lực đẩy, là phao đỡ để ngư dân yên tâm vươn ra biển lớn”. Bởi theo nhận định của ông Huỳnh, dẫu việc đánh bắt đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết, rồi tàu Trung Quốc gây hấn nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn dành tiền đóng tàu bám biển. Bằng chứng là từ đầu năm đến giờ, HTX đã đóng và hạ thủy 27 tàu công suất từ 420CV trở lên; trong đó có đến 6 chiếc công suất 850CV. Vậy nên, “nếu được Nhà nước hỗ trợ về vốn vay, lãi suất và thời hạn trả nợ thì tôi tin rằng, công suất tàu sẽ không dừng lại ở 850CV mà là 1.000CV hoặc hơn nữa”, ông Huỳnh cho hay.
Còn ngư dân Võ Đình Min thì phấn khích bảo rằng, nếu có thể vay vốn với lãi suất 3%/năm, ông sẵn sàng thay tàu 270 CV thành 500 CV để “ra Hoàng Sa, đến Trường Sa ở vài tháng cho thỏa ước mơ bao nhiêu năm nay”. Tuy nhiên, điều khiến ngư dân băn khoăn là khi Nhà nước khơi dòng vốn, việc tiếp cận liệu có dễ dàng; rồi giải quyết hồ sơ thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu có được nhanh gọn hơn... Bởi nói như ông Min, dù việc đăng kiểm định kỳ đã “dễ thở” hơn, nhưng việc đăng kiểm tàu trước khi hạ thủy thì đã phiền hà lại mất phí.
Quả thật, giữa lúc biển Đông dậy sóng vì Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, thì những chính sách hỗ trợ ngư dân kịp thời cùng với sự cải tiến trong việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp họ vững tin ra khơi để làm giàu cho bản thân và đóng thêm “cột mốc sống” trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bài, ảnh: MỸ HOA